ĐBQH đề xuất giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ Carbon

Quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính, giao dịch tín chỉ Carbon, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đưa ra nhiều phân tích và gợi mở giải pháp về vấn đề này.

Quan tâm sớm đúng hướng, hiệu quả và đồng bộ

Phát biểu tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐBQH đoàn TP Hà Nội quan tâm đến giải pháp số 4 và số 7 - đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ Carbon.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần thiết được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên nhằm đảm bảo môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, giúp Nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu, tiếp tục giữ được vị thế quan trọng trong bản đồ an ninh lương thực của thế giới.

Đặt vấn đề tại sao Việt Nam cần quan tâm đến giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch tín chỉ Carbon, đặc biệt trong lĩnh vực Nông nghiệp, đại biểu đoàn TP Hà Nội phân tích, nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng, là lợi thế, trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt khoảng 54 tỷ USD năm 2023, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp của đất nước.

Theo thống kê, nông nghiệp là ngành tạo ra phát thải lớn khoảng 100 triệu tấn CO2 quy đổi (chiếm 30%) tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Trong đó chủ yếu từ ngành trồng lúa chiếm 50%, chăn nuôi phát thải 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón chiếm 13%; còn lại là xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp.

“Thời gian qua, để thực hiện cuộc cách mạng xanh toàn cầu và thực hiện cam kết “Net zero” về phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng các rào cản kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính và thiếu Carbon, hướng tới phát triển xanh, bền vững” – GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay.

Đại biểu đoàn TP Hà Nội nhìn nhận, đây là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt với Việt Nam; trong đó có doanh nghiệp trong nước. Nếu chúng ta không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam xuất khẩu, gắn với giảm phát thải khí nhà kính, thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế Carbon của các nước, sẽ làm tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã xây dựng hàng rào biên giới Carbon.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta quan tâm sớm đúng hướng, hiệu quả, đồng bộ có chiến lược, kế hoạch rõ ràng để giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ Carbon thì có thế phát huy lợi thế quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản, mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, thu tiền từ các tín chỉ các bon.

Hoạt động giao thông là một trong 3 nguồn phát thải khí nhà kính ở TPHCM. (Ảnh: Lê Nam).

Hoạt động giao thông là một trong 3 nguồn phát thải khí nhà kính ở TPHCM. (Ảnh: Lê Nam).

Cơ sở giáo dục đại học cùng vào cuộc

Để giúp người dân hiểu sâu sắc về giá trị to lớn cũng như thách thức của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường các bon, GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị, tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường Carbon.

Đồng thời, giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học xây dựng chương trình đào nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức cơ bản về thị trường Carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và giảng dạy cho sinh viên, học sinh phổ thông.

Mặt khác, tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường Carbon.

Cùng với đó, nghiên cứu sâu sắc quy định thị trường Carbon của một số quốc gia đến xuất khẩu nông sản Việt Nam, khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào thị trường Carbon vừa để phát triển bền vững.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan, khoảng 30 nước trên thế giới đã triển khai tính thuế Carbon. Cụ thể, từ tháng 1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản vào một số thị trường, cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng. Từ tháng 1/2026 hàng rào kỹ thuật về phát thải Carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường của nông sản trong nước.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dbqh-de-xuat-giai-phap-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-va-giao-dich-tin-chi-carbon-post685865.html