ĐBQH góp ý các điều khoản chi tiết của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 28/5, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị, cần rà soát kỹ các điều khoản trong Dự Luật để tránh xung đột với các quy định hiện hành.

Làm rõ quy định về áp dụng Luật Thủ đô

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đánh giá Báo cáo tiếp thu giải trình và Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Quan tâm về vấn đề áp dụng Luật Thủ đô, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, Dự thảo Luật bổ sung thêm khoản 2 Điều 4: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó. Trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phân tích quy định trên, đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo Luật chưa đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là “cần thiết” cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn tỉnh Lạng Sơn) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn tỉnh Lạng Sơn) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, về liên kết phát triển vùng, Dự thảo Luật có giải thích Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận do Chính phủ quyết định. Dự thảo cũng dành Chương 5 từ Điều 44 đến Điều 47 quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng. Đại biểu cho rằng, mỗi vùng đều có nội dung và cơ chế liên kết với Thủ đô khác nhau. Do đó, cần rà soát để quy định kỹ hơn, phát huy hiệu quả liên kết vùng tốt nhất.

Đảm bảo tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho biết, tại Điều 3 có nêu: “Cơ sở giáo dục chất lượng cao là cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục và đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của UBND TP Hà Nội”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm các cơ sở giáo dục dạy nghề và đại học.

Về giải thích “Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí”, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, gây ô nhiễm môi trường không phải chỉ có phương tiện giao thông, do đó đề nghị sửa thành “Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn tỉnh Bình Dương)

Về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tại Điều 18 có nêu: Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc việc “không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có” để không xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về Khoản 5, Điều 23 quy định: HĐND TP Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm. Đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng về nội dung này để tránh xung đột với các quy định hiện hành.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Nhằm làm rõ hơn căn cứ, đảm bảo tính khả thi và tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn tỉnh Thái Bình) góp ý vào điểm a khoản 5 Điều 18 về nội dung liên quan đến các cơ quan, cơ sở, đơn vị phải di dời, quỹ đất còn lại để sử dụng với mục đích là xây dựng không gian công cộng, văn hóa…

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa đủ, đề nghị bổ sung thêm mục tiêu nhằm phát huy giá trị văn hóa, du lịch và quỹ đất không sử dụng chức năng để ở. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rõ ràng, đầy đủ và khả thi.

Liên quan đến điểm b, khoản 2, Điều 24 quy định về việc cho phép thực hiện hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với đất ở khu công nghệ cao, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, bổ sung thẩm quyền ai sẽ quyết định danh mục dự án này để tổ chức đấu thầu. Đồng thời đề nghị rà soát khoản 2 để đảm bảo tính tương thích với Luật Đất đai. Vì theo tinh thần của Luật Đất đai tiếp cận theo nguyên tắc, ngoài trường hợp đấu thầu, sẽ thực hiện đấu giá, do đó, cần thể hiện rõ tinh thần này của Luật Đất đai vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-gop-y-cac-dieu-khoan-chi-tiet-cua-du-thao-luat-thu-do-sua-doi.html