ĐBQH HOÀNG THỊ THANH THÚY: BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI) NHẰM XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG CHẮC

Góp ý tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều 15/01, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã đóng góp một số ý kiến về quản lý nợ xấu, giới hạn cấp tín dụng,… nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật này.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Phát biểu tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chia sẻ đánh giá rất cao đối với cơ quan soạn thảo Ngân hàng nhà nước, Chính phủ, cơ quan thẩm tra lần này đã hoàn chỉnh dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần bổ sung và hoàn thiện.

Thứ nhất, liên quan đến các quy định về một số các chủ thể có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không phải là tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng dự thảo chưa có các quy định về vấn đề này. Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, hiện nay có một số nhóm chủ thể không phải là tổ chức tín dụng nhưng có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chưa được đề cập trong dự thảo luật. Thông qua việc tìm hiểu, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ, tính đến ngày 26/6/2023 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép cho 50 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng không phải là ngân hàng. Các chủ thể này có thể chia làm 2 nhóm: Một là, nhóm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử; Hai là, nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán. Các chủ thể này có vị trí, vai trò và mục tiêu rất khác nhau và trong thời gian qua hoạt động cung ứng của các chủ thẻ này rất phát triển tại Việt Nam, chẳng hạn như VNPAY hoặc Napas,… Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng phải khẳng định vị trí của các chủ thể này trong văn bản luật cụ thể. Vì khi nào có vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể thì mới xác định được chủ thể bị tác động bởi các rủi ro pháp lý. Phân định yếu tố lỗi và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng của tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô có xu hướng giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng từng giai đoạn để hạn chế thấp nhất những biến động đối với kinh tế - xã hội. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ, giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại do Ban soạn thảo đề xuất. Tuy nhiên, khi giảm tỷ lệ này cần phải dự liệu và giải quyết các khó khăn có thể gặp phải.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Thứ ba, quy định về vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy hoàn toàn thống nhất với chủ trương luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và tháo gỡ được một số vướng mắc khi áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14. Vì theo đại biểu, khi các quy định này được ban hành thì việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã có nhiều tiến bộ, tiến triển tích cực, đảm bảo được phần nào quyền lợi của các bên, thúc đẩy sự chủ động thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý nợ xấu đã giảm thiểu được tình trạng cố tình chây ỳ, không hợp tác của khách hàng. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng nợ xấu của các ngân hàng không phải là vấn đề thời điểm, mà là thường trực và gần như gắn liền với quá trình hoạt động của ngân hàng. Việc luật hóa các quy định về nợ xấu, về quyền thu giữ tài sản, về quyền ưu tiên thanh toán,… sẽ là nền tảng quan trọng để xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo nên một thị trường mua, bán nợ đúng nghĩa.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cũng chia sẻ dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong từng điều khoản của luật sẽ tạo ra hành lang vững chắc cho chính các nhân sự tại cơ quan này khi hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Nhưng bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy kiến nghị thêm Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về hoàn thiện luật hoặc các văn bản dưới luật về các vấn đề mà hiện nay dư luận đang rất quan tâm, ví dụ như: Quy định pháp luật về tố tụng phải được chỉnh sửa theo hướng rút gọn hơn thời gian xử lý, tinh gọn các thủ tục hành chính; Về điều kiện khoản nợ đủ điều kiện thu giữ, đề xuất bỏ nội dung giới hạn là món nợ không bị tranh chấp được tòa án thụ lý, vì có thể khách hàng sẽ lợi dụng quy định này tạo ra các tranh chấp giả dẫn đến trì hoãn và ngăn cản quá trình thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý./

Ngọc Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84069