ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia góp ý về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tham gia góp ý, ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, qua nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc người chưa thành niên tiếp xúc với thủ tục tố tụng hình sự chính thức có thể dẫn đến việc lặp lại các chu kỳ phạm tội. Người ta cũng thừa nhận rằng một số biện pháp hình sự đối với hành vi phạm tội, chẳng hạn như bắt giam, phạt tù có thể thúc đẩy hơn nữa tội phạm và nhiều quan điểm của học giả phương Tây cho rằng, nhà tù là “trường đại học tội phạm”, vì nó cho phép người phạm tội học hỏi nhiều hơn các mánh khóe và kỹ năng phạm tội, cũng như tạo ra và duy trì mạng lưới tội phạm sau này. Điều này có thể đặc biệt đúng với trường hợp trẻ vị thành niên, do còn non nớt nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, dễ nhiễm thói hư, tật xấu. Do đó, các hệ thống tư pháp hình sự riêng biệt, trại giam riêng dành cho người chưa thành niên đã được thiết lập tại rất nhiều quốc gia, một phần cũng là do nhu cầu ngăn chặn người chưa thành niên bị ảnh hưởng bởi những người lớn phạm tội.

Chính vì thế, đại biểu Lê Thanh Hoàn đánh giá cao sự chuẩn bị dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên của Tòa án Nhân dân tối cao, một đạo luật chuyên biệt về tố tụng hình sự và áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời tán thành với nhiều nội dung của báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lê Thanh Hoàn có ý kiến đó là: Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật. Trên cơ sở phạm vi điều chỉnh của luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt, thi hành án đối với người chưa thành niên phạm tội; thì cần cân nhắc điều chỉnh tên gọi của luật cho thống nhất với phạm vi điều chỉnh, có thể là Luật Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên. Trường hợp giữ tên gọi của luật, thì đề nghị bổ sung điều chỉnh cả đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính và bị xử lý hành chính, đảm bảo tính đồng bộ, tránh việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (nếu áp dụng các biện pháp chuyển hướng, khi mà đưa vào trường giáo dưỡng chỉ là biện pháp cuối trong xử lý chuyển hướng) còn nhẹ hơn cả xử lý hành chính. Bởi vì, người chưa thành niên bị xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng thì khi vi phạm, đủ điều kiện sẽ bị áp dụng ngay mà không có xử lý chuyển hướng.

Về những nguyên tắc cơ bản tại Chương 2. Việc xử lý chuyển hướng và phục hồi công lý đã được nhiều quốc gia áp dụng, việc chuyển hướng không nhằm mục đích bỏ qua pháp luật và công lý, mà được coi là biện pháp mới để duy trì công lý. “Công lý phục hồi” đòi hỏi một quá trình giải quyết xung đột với sự tham gia tối đa của nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng, để đi đến sự hiểu biết và thỏa thuận chung về cách khắc phục tổn hại, nhận thức được hành vi sai trái và đạt được công lý. Dự thảo Luật đã chú trọng bảo vệ người chưa thành niên là bị hại, tuy nhiên, quy định về bảo vệ quyền của “nạn nhân” hay “bị hại” kể cả người đã thành niên nói chung còn chưa tương xứng. Chúng ta cần phải tránh xu hướng, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội có khi lại ưu ái vượt quá mức cần thiết và có thể xâm phạm các quyền cơ bản của cá nhân khác trong xã hội, đặc biệt là các nạn nhân bị xâm hại trực tiếp. Do đó đề nghị bổ sung vào Điều 5 yêu cầu các biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng cần có sự thỏa thuận thống nhất với nạn nhân.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53). Đề nghị quy định theo phương án 2 đó là việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ do Tòa án thực hiện, nhưng không chỉ do cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát đề nghị mà Tòa án hoàn toàn có quyền xem xét cho áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án, bởi Việt Nam có chính sách hình sự, tố tụng hình sự khác biệt nhất định với các quốc gia khác.

Theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, nếu giao thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát sẽ có nghĩa là giao quyền cho 2 cơ quan này quyết định người chưa thành niên đã có tội. Vì chỉ khi có tội thì mới có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Điều này là không phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp (đặc biệt là trường hợp đã bị buộc tội) và có thể dẫn đến sự áp dụng không thống nhất tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về trường hợp thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 81). Theo đó, người được áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng có thể được thay đổi sang áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nếu xét thấy biện pháp chuyển hướng tại cộng đồng không đạt được mục đích giáo dục, cải tạo khi họ cố ý vi phạm nghĩa vụ 1 hoặc 2 lần trở lên trong thời gian thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, nếu thời điểm người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng vi phạm khi đã đủ 18 tuổi thì xử lý như thế nào? Việc gia hạn đã hợp lý chưa? Bởi theo nguyên tắc tại khoản 4 Điều 40 thì không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi. Cùng với đó, cần rà soát và xem xét lại nội dung thay đổi biện pháp chuyển hướng này, bởi sẽ không áp dụng được biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu người đó đã đủ hoặc trên 18 tuổi.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-le-thanh-hoan-tham-gia-gop-y-ve-du-an-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-217379.htm