ĐBQH Nguyễn Hữu Thông: Cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận đề xuất giao Chính phủ quy định các tiêu chí linh hoạt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực giáo dục… để có thể tiếp cận chính sách ưu đãi thuế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 12), đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận cho rằng dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung rất tích cực về ngành nghề ưu đãi thuế, đặc biệt là đã thể chế hóa một số chủ trương lớn của Đảng, như hỗ trợ đổi mới sáng tạo, công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ băn khoăn dự thảo quy định một số tiêu chí như “quy mô vốn đầu tư”, “giải ngân trong 3 năm”, “có sức lan tỏa...” quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong thực tế triển khai thực hiện vì những tiêu chí trên thực tế chỉ có doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) mới đáp ứng được, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó đáp ứng được, từ đó có thể làm hạn chế cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất giao cho Chính phủ quy định các tiêu chí linh hoạt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực giáo dục… để có thể tiếp cận chính sách ưu đãi tương tự như doanh nghiệp Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Về miễn thuế, giảm thuế (Điều 14), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã xây dựng cơ chế miễn thuế, giảm thuế một cách khá chi tiết, gắn với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn và từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, việc gắn miễn thuế, giảm thuế với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp dược, đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo là rất phù hợp với chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta. Ngoài ra, chính sách ưu đãi dành cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng thể hiện đúng định hướng phát triển bao trùm, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng một số vấn đề cần được rà soát, nghiên cứu sâu kỹ để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, cụ thể như:
Một là, thời gian miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế trong tối đa 9 năm tiếp theo, như quy định tại khoản 1 Điều 14, là chưa thật sự phù hợp đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao. Chính sách này có thể chưa đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn chất lượng cao, do đó đại biểu đề nghị nâng thời gian miễn thuế tối đa lên 6 hoặc 8 năm, và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa 12 đến 15 năm đối với các dự án đầu tư mới có vốn trên 30.000 tỷ đồng hoặc có ảnh hưởng lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trên 1.000 lao động, nhằm khuyến khích các tập đoàn đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Hai là, một số cụm từ trong điều luật vẫn mang tính định tính, ví dụ như “giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường” – nhưng chưa có tiêu chí kỹ thuật rõ ràng để xác định và đánh giá. Quy định như vậy vừa dễ bị lợi dụng, vừa tạo ra rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và cơ quan thuế, do đó đại biểu đề nghị cần quy định rõ các tiêu chí kỹ thuật đối với các cụm từ định tính như “giảm ô nhiễm môi trường”, “cải thiện môi trường”, có thể yêu cầu doanh nghiệp nộp kèm báo cáo đánh giá môi trường được cơ quan chuyên môn xác nhận để làm căn cứ xét ưu đãi.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận sáng 12/5.
Ba là, chính sách miễn thuế, giảm thuế hiện hành chưa gắn với các chỉ tiêu đầu ra cụ thể như số lượng việc làm tạo ra, mức đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), hoặc mức độ lan tỏa công nghệ. Điều này khiến hiệu quả của ưu đãi chưa được lượng hóa, khó kiểm soát.
Bốn là, thời điểm tính ưu đãi thuế được cố định theo năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng quy định này có thể không phù hợp với các ngành đầu tư dài hạn, như công nghiệp sinh học, công nghệ dược. Do đó, đại biểu đề nghị quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp đăng ký lựa chọn thời điểm bắt đầu tính ưu đãi trong thời gian tối đa 05 năm kể từ khi phát sinh doanh thu, nhằm phù hợp với đặc thù các ngành có thời gian đầu tư dài như dược phẩm, công nghệ sinh học.
Về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Điều 17), đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, tại khoản 1 Điều 17 dự thảo quy định: “Riêng doanh nghiệp nhà nước... phải bảo đảm tỷ lệ trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ”. Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận, quy định này có thể gián tiếp tạo hai chuẩn mực chính sách về trách nhiệm khoa học và công nghệ. Vì quy định trên chỉ bắt buộc Doanh nghiệp nhà nước bảo đảm tỷ lệ trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu trong khi đó, loại hình doanh nghiệp khác không có nghĩa vụ tương tự, trong khi các loại hình doanh nghiệp này vẫn có thể được hưởng lợi từ các chính sách chung như ưu đãi thuế, đầu tư đổi mới sáng tạo; bên cạnh đó, quy định này có thể đặt doanh nghiệp Nhà nước vào thế bất lợi về dòng tiền.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị sửa đổi quy định trên theo hướng áp dụng chung mức tối thiểu trích lập hoặc quy định khuyến khích với tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình sở hữu, nhằm đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ đóng góp cho phát triển khoa học công nghệ.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=94051