ĐBQH NGUYỄN THỊ THU THỦY: XÂY DỰNG CƠ CHẾ, TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO KHU ĐÔ THỊ KHOA HỌC

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã gửi phiếu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết và thời gian thể chế hóa nội dung của Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, tại phiên chất vấn lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV), đại biểu có hỏi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho khu đô thị khoa học theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời là mô hình mới, Bộ đang nghiên cứu.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Bình Định đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết “có cần thể chế hóa nội dung này của Nghị quyết số 27-NQ/TW và nếu thể chế hóa thì thực hiện vào thời gian nào?”.

Trả lời nội dung tại phiếu chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 791/TTg-KGVX nêu rõ:

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 đó là “Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, trường đại học trọng điểm, các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước”.

Về việc Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học

Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị và các quy định pháp luật liên quan có quy định phân loại áp dụng cho một số đô thị có tính chất đặc thù là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chí quy định của loại đô thị tương ứng.

Trên thực tế, đơn cử thị trấn Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn của Thủ đô Hà Nội, tập trung các Khu công nghệ cao quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc... do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 quy định “Đổ thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”.

Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị “Khu vực phát triển đô thị là một khu vực được xác định để đầu tư phát triển đô thị trong một giai đoạn nhất định. Khu vực phát triển đô thị bao gồm: Khu vực phát triển đô thị mới, khu vực phát triển đô thị mở rộng, khu vực cải tạo, khu vực bảo tồn, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng chuyên biệt. Khu vực phát triển đô thị có thể gồm một hoặc nhiều khu chức năng đô thị...”; khoản 7 “Khu vực có chức năng chuyên biệt là khu vực phát triển đô thị nhằm hình thành các khu chức năng chuyên biệt như khu kinh tế, khu du lịch - nghỉ dưỡng, khu đại học...”; khoản 3 Mục 1.4 QCVN 01: 2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy hoạch xây dựng “Khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao”.

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan về đô thị hiện nay chưa có khái niệm chính xác về “Khu đô thị” và “Khu đô thị khoa học” nên mô hình “Khu đô thị khoa học” là một mô hình mới ở Việt Nam chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ.

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 52- KL/TW ngày 30/5/2019, theo đó đánh giá: “Quá trình thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá”.

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 27. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trình Chính phủ Đề án đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13. Căn cứ kết quả tổng kết của Ban Tuyên giáo Trung ương và Nghị quyết mới của Trung ương về phát triển đội ngũ trí thức, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng phương án phù hợp trong dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung nêu trên, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới, đột phá thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Về việc đầu tư xây dựng khu công nghệ cao

Tại khoản 1 Điều 31 Luật công nghệ cao số 21/2008/QH12 quy định “Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao”.

Hiện nay trên toàn quốc đã thành lập 04 Khu công nghệ cao tại Hà Nội, Thành phố. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đồng Nai; 05 khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh; 01 Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.

Các Khu công nghệ cao quốc gia đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 1/4 là các dự án FDI; đã thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn, uy tín trên thế giới và trong nước tới đầu tư như: Intel, Samsung, Nidec, Hanwha, Jabil, Datalogics, Sonion...

Các Khu công nghệ cao quốc gia cũng rất quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ tạo dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. Tổng số người lao động, học tập trong các Khu công nghệ cao hiện nay là trên 77.000 người.

Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao năm 2022 đạt gần 27 tỷ USD. Trong đó Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp hơn 50% giá trị xuất khẩu của Thành phố.

Các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang trong giai đoạn đầu của đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư. Một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương đã chủ động đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương và đưa vào hoạt động.

Các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Việc phát triển các loại hình Khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là chưa xứng tầm, chưa phát huy được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, từ hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện; các Khu công nghệ cao quốc gia đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, thu hút nguồn ngoài ngân sách khó khăn...

Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thủ tục vay vốn, vay tín chấp, vay có tài sản thế chấp. Nguyên nhân do nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiềm ẩn nhiều rủi ro, đồng thời đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.

Các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thành lập triển khai xây dựng chậm do thiếu vốn, chưa hoạt động đầy đủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, mới tập trung vào sản xuất, chưa phát huy được vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng, khu vực.

Giải pháp trong thời gian tới

Việc thành lập, xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao đòi hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về công nghệ cao, quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng... Trong bối cảnh quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến Khu công nghệ cao chưa đầy đủ, một số quy định đã không còn theo kịp thực tiễn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về Khu công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở các ý kiến thành viên Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.

Sau khi Nghị định quy định về Khu công nghệ cao được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành, một số vướng mắc chính trước đây sẽ được tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc phát triển Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, do các nội dung quản lý nhà nước đối với Khu công nghệ cao rất - định pháp rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành khác nhau nên vẫn còn nhiều nội dung chưa thể giải quyết hết ngay được trong Nghị định mới này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát và hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp lý chung quan đến đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động của Khu công nghệ cao về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đầu tư... để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển các Khu công nghệ cao, tính hiệu quả trong đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao.

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về việc tiếp tục thể chế hóa chủ trương phát triển các Khu công nghệ cao mới trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84897