ĐBQH- PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: NHIỀU CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NẾU ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẦU TƯ THEO ĐỐI TÁC CÔNG – TƯ VỚI LĨNH VỰC VĂN HÓA

Chỉ ra những ví dụ tiêu biểu của thế giới về những thành công, lợi ích từ việc áp dụng cơ chế đầu tư hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu được áp dụng cơ chế đầu tư theo đối tác công – tư, ngành văn hóa Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án... văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định 5 lĩnh vực được áp dụng PPP nhưng lại không có lĩnh vực văn hóa. Có ý kiến cho rằng, đang vẫn còn tình trạng "nhất bên trọng, nhất bên khinh" trong quản lý các lĩnh vực văn hóa. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Thực ra không hoàn toàn như vậy! Huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước dù lớn nhưng vẫn có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới. Thêm vào đó, tư duy quản lý nói chung, quản lý văn hóa nói riêng có xu hướng là Nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện. Nhà nước đầu tư cho những hoạt động mang tính định hướng, vốn mồi, và những việc tư nhân không làm để bảo đảm sự vận hành ổn định của xã hội. Chính vì thế, chúng ta có nhiều chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, cụ thể như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa, trong đó có các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Nhưng rõ ràng, việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bỏ ra ngoài lĩnh vực văn hóa là một thiếu sót lớn. Trong những hội thảo về văn hóa gần đây hay các phiên giải trình, giám sát, khảo sát do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiến hành đều nhận được những kiến nghị liên quan đến vấn đề này.

Sở dĩ có thực trạng trên, theo suy nghĩ cá nhân tôi, có lẽ là bởi chúng ta quan niệm đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, các dự án PPP liên quan đến xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, và vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, với quy mô tổng mức đầu tư từ 100 tỷ (hoặc 200 tỷ) trở lên,... nên không hoàn toàn phù hợp với các dự án về văn hóa. (Những dự án thường thiên về hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, quy mô vốn nhỏ, thời gian linh hoạt...).

Như vậy, khi không có trong luật, việc huy động nguồn lực lớn trong hợp tác công – tư để bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật sẽ không được phép thực hiện. Đó thực sự là một điều đáng tiếc khi chúng ta không thể tận dụng được sự quan tâm, nguồn lực lớn từ xã hội cho các hoạt động văn hóa.

Phóng viên: Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã tạo ra nhiều phát triển đột phá trong một số lĩnh vực (phát triển hạ tầng giao thông, y tế…). Theo ông, nếu ngành văn hóa cũng được áp dụng Luật này thì sẽ phát triển tương tự? Dư địa trong phát triển văn hóa nếu được áp dụng Luật này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ, nếu được áp dụng cơ chế đầu tư theo đối tác công – tư, ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Những gì dễ thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa như các sân vận động, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, các di tích, hay Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam... đang rất cần có nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành các thiết chế này.

Tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế vận hành của các thiết chế văn hóa ấy không chỉ giúp các thiết chế này thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, trở thành những không gian sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước (cả về nguồn lực tài chính và nhân sự), mà còn thu hút sự tham gia của người dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của các thiết chế văn hóa đến toàn xã hội.

Chúng ta đang khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ở đó, Nhà nước sẽ dành ra một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, dù kinh phí có nhiều đến đâu cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu của ngành văn hóa, chưa kể ngân sách Nhà nước còn nhiều ưu tiên khác về y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng...

Cũng như, nhiều khi câu hỏi đặt ra là liệu Nhà nước có cần đầu tư hết tất cả những nhu cầu đó hay không, hay chỉ cần tạo môi trường thông thoáng, phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, thông qua cơ chế đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư, để đạt hiệu quả cao hơn? Chưa kể, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng mong muốn được đầu tư theo phương thức này, nhất là điện ảnh, qua những ví dụ như thành công của những bộ phim do Nhà nước đặt hàng có sự hợp tác công - tư như phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trong so sánh với những bộ phim không được áp dụng hợp tác công – tư này gần đây như Đào, Phở và Piano, hay Hồng Hà Nữ sĩ... Nếu chúng ta có thể áp dụng cơ chế hợp tác công – tư, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bằng quan điểm quản lý rõ ràng hiện nay, sự kết hợp lợi thế và nguồn lực giữa Nhà nước và tư nhân sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển văn hóa nước nhà.

Phóng viên: Từ bài học quốc tế, ông có thể phân tích một vài ví dụ cho thấy sự hiệu quả hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Chúng ta thấy có rất nhiều ví dụ như vậy trên thế giới để củng cố thêm quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức công – tư. Hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp, thông qua việc kết hợp nguồn lực và chuyên môn từ các phía.

Đầu tiên có thể kể đến các hợp tác để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, theo đó, một doanh nghiệp có thể cung cấp tài trợ tài chính hoặc kỹ thuật chuyên môn cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa, trong khi cơ quan Nhà nước hỗ trợ pháp lý và quản lý dự án. Điển hình như ở Nhật Bản, nhiều dự án bảo tồn di sản văn hóa ở các chùa, đền thờ Thần Đạo được tài trợ bởi các công ty lớn như Mitsubishi, Toyota hoặc Sumitomo, trong khi đó cơ quan Nhà nước như Cục Di sản Văn hóa quốc gia của Nhật Bản cung cấp hỗ trợ pháp lý, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và giám sát quản lý dự án. Ở Mỹ, các dự án bảo tồn di sản văn hóa thường nhận được sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân thông qua các quỹ bảo tồn di sản và tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận như Ford Foundation hoặc The Getty Foundation. Cơ quan quản lý nhà nước như Cơ quan Bảo tồn Môi trường Mỹ thường hỗ trợ pháp lý, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và giám sát dự án.

Tiếp theo là việc tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Hợp tác giữa các tổ chức văn hóa và doanh nghiệp tư nhân thường giúp tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, như triển lãm nghệ thuật, buổi biểu diễn âm nhạc hoặc lễ hội, ở đó, các doanh nghiệp có thể đóng vai trò tài trợ, cung cấp không gian hoặc cơ sở hạ tầng, trong khi các tổ chức văn hóa đảm nhận việc tổ chức chương trình và quản lý nội dung. Ví dụ như ở Liên hoan phim Cannes: Các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh, quảng cáo và bất động sản thường tài trợ cho Liên hoan phim Cannes - một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới. Các tổ chức văn hóa như Viện Phim Pháp thường đảm nhận việc tổ chức chương trình và quản lý nội dung. Hay như ở Anh, Tate Modern thường hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để tổ chức các triển lãm nghệ thuật lớn. Các doanh nghiệp có thể cung cấp tài trợ tài chính hoặc không gian để triển lãm, trong khi Tate Modern chịu trách nhiệm tổ chức chương trình và quản lý nội dung.

Ngoài ra còn có rất nhiều cách thức hợp tác công – tư nữa. Những ví dụ trên chỉ ra rằng hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa đã tạo ra những kết quả tích cực và bền vững, đồng thời mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, Quốc hội đã nhận thấy bất cập khi không có quy định pháp luật để có thể huy động nguồn lực lớn trong hợp tác công – tư để bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật và có quyết tâm thay đổi. Trong Hội thảo Thế chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh việc cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 4 nhóm chính sách, để tạo đột phá cho phát triển bền vững các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có chính sách hợp tác công – tư để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng và huy động tài chính trên thị trường văn hóa.

Từ kết luận này, trong cơ chế đặc thù cho phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã cho phép Thành phố được áp dụng cơ chế hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa. Sắp tới đây, Hà Nội đang dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm.

Tôi tin tưởng rằng, bằng cách thức thử nghiệm ở hai thành phố lớn, nơi có hầu hết các thiết chế văn hóa cấp quốc gia, chúng ta sẽ rút ra được những bài học cụ thể, phù hợp với đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa, từ đó tiến tới bước tiếp theo là sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86014