ĐBQH: Quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, là cảnh báo lớn với thị trường trong nước
'Gần đây có quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70%, đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể khiến người dân tập trung mua và không còn thị trường trong nước'...
Thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, gần đây có quảng cáo của sàn giao dịch Temu rất rầm rộ, giảm giá mạnh đến 70%, đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và không còn thị trường trong nước, quan ngại hàng giá rẻ này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.
“Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa, thời gian qua đã có hàng nước ngoài nhưng dán mác Việt Nam”, đại biểu nói.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng; tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước để tránh tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài tràn vào.
“Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Về nguồn gốc hàng hóa kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng đa dạng nguồn gốc hàng hóa có 2 mặt, mặt tích cực đối với người tiêu dùng đó là rất dễ mua sắm, mang lại nhiều tiện lợi nên người dân. Ngược lại, mặt tiêu cực đó là hàng hóa nước ngoài đang giết chết dần, chết mòn các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước bởi hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã.
“Từ đó, tôi đề xuất Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để vừa khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, vừa bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước… nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng trong nước”, đại biểu nói.
Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và đây vẫn đang là vấn đề gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
“Trước thực trạng nêu trên, theo tôi Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá để sớm có chính sách đầu tư áp dụng hệ thống xe buýt đưa đón học sinh có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà trước mắt thí điểm áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM”, đại biểu nói..
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Điện Biên) thông tin về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao. Theo đại biểu, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, từ Hà Nội về TP.HCM.
Về nâng cấp tuyến cao tốc 2 làn, đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong nhiệm kỳ này. Cá nhân tôi đánh giá trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai 2 làn là hợp lý, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe rất thấp, sau một thời gian phát triển rất dài thì nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
Bộ Giao thông Vận tải đang nâng cấp các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn…