ĐBQH Trần Văn Thức tham gia góp ý về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Sáng 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tham gia góp ý, ĐBQH Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những lý do như đã được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP của Chính phủ. Theo đó, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Góp ý về giải thích từ ngữ, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị cần có quy định bổ sung về việc giải thích từ ngữ đối với cụm từ “địa điểm khảo cổ” bởi lẽ, dự thảo Luật hiện đang sử dụng 12 lần cụm từ này cho cả các quy định về những hành vi mà Luật này nghiêm cấm và cả các quy định liên quan tới vấn đề về quy hoạch, quản lý và bảo vệ “địa điểm khảo cổ” nhưng chưa có giải thích ngữ nghĩa "địa điểm khảo cổ” cụ thể là gì. Pháp luật về di sản văn hóa hiện đang quy định giải thích về "địa điểm khảo cổ” tại Văn bản hợp nhất 3210/VBHN-BVHTTDL năm 2013 về Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này quy định: "Địa điểm khảo cổ là nơi lưu giữ những dấu tích, di vật phản ánh quá trình tồn tại của con người và môi trường tự nhiên trong quá khứ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.”

Đại biểu Trần Văn Thức nhận thấy cụm từ "địa điểm khảo cổ” là một cụm từ mang tính chuyên môn, không được sử dụng thông dụng trong xã hội. Tại dự thảo luật cụm từ này được sử dụng trong nhiều nội dung khác nhau. Do đó, nếu không giải thích rõ ý nghĩa cụm từ “địa điểm khảo cổ” ngay trong Luật sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật. Do vậy, đề nghị cần xem xét bổ sung việc giải thích ý nghĩa cụm từ “địa điểm khảo cổ” như đã viện dẫn nêu trên.

Đối với quy định tại Điều 39: Giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung đối với các nội dung quy định tại Điều 39 dự thảo Luật như sau: Tại khoản 3 Điều 39 quy định chỉ có hai loại chủ thể là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bảo tàng công lập được thực hiện giám định di vật, cổ vật khi đáp ứng đủ các điều kiện. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 6 Điều 39 lại quy định: “b) Di vật, cổ vật phải được giám định tại cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều này hoặc cơ sở kinh doanh giám định di vật, cổ vật quy định tại Điều 77 Luật này trước khi đăng ký”. Như vậy, theo điểm b khoản 6 Điều 39 nêu trên, ngoài hai chủ thể như quy định tại khoản 3 Điều 39 thì các cơ sở kinh doanh cũng có thể thực hiện việc giám định nếu đáp ứng đủ điều kiện luật định. Do vậy, đề nghị sửa lại khoản 3 Điều 39 cho phù hợp, thống nhất giữa các quy định liên quan.

Khoản 4 Điều 39 quy định về tiêu chuẩn chuyên gia giám định di vật, cổ vật, tuy nhiên tên gọi của Điều 39 không phản ánh nội dung này. Ngoài ra, tại điểm b khoản 4 quy định: “b) Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành liên quan đến di vật, cổ vật giám định; có ít nhất 5 (năm) năm trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật...”

Với nội dung vừa nêu tại điểm b khoản 4, đề nghị cần làm rõ: Về nội dung: Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành liên quan đến di vật, cổ vật giám định cụ thể là như thế nào ? Bởi lẽ, trên thực tế thì di vật hoặc cổ vật có rất nhiều chủng loại khác nhau, nếu quy định như dự thảo Luật thì chuyên gia giám định có bằng cấp liên quan đến di vật, cổ vật giám định thì có được giám định cho di vật, cổ vật không có liên quan tới bằng cấp của mình hay không ?

Về nội dung “hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật” là hoạt động cụ thể như thế nào ? Dự thảo luật có quy định rất nhiều nội dung về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể nhưng không quy định rõ “hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật” là gì. Quy định này sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực thi luật.

Tại khoản 6 Điều 39 quy định về “Đăng ký di vật, cổ vật”. Nội dung tại khoản này cho thấy đây là các nội dung liên quan tới vấn đề quản lý Nhà nước không phải là nội dung về chuyên môn, kỹ thuật như tên gọi của Điều 39 đã thể hiện. Do vậy, đề nghị các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 39 cần phải được tách thành một điều riêng để quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.

Đối với quy định tại Điều 90: Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Trần Văn Thức cơ bản tán thành với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa bởi lẽ, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng còn có nhiều khó khăn, hạn hẹp thì việc thành lập quỹ này là hết sức cần thiết. Thực tiễn, vừa qua khi thực hiện giám sát tại địa phương đối với chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” cũng cho thấy ngay trong cơ chế, chính sách bảo đảm cho các đơn vị thuộc ngành văn hóa cũng hết sức khó khăn. Dự thảo luật quy định việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu thực tế đang đặt ra.

Đối với các nội dung quy định cụ thể về việc thành lập quỹ, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật xác định đây là loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với đầy đủ địa vị pháp lý để nhận diện một cách độc lập so với các loại quỹ khác. Các nội dung liên quan bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước; đáp ứng được các yêu cầu của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Thức đề nghị cần xem xét rà soát sửa đổi nội dung và kỹ thuật trình bày tại khoản 4 Điều 90. Theo đó, thay đổi nội dung quy định từ “Nguyên tắc thành lập Quỹ” thành “Nguyên tắc hoạt động Quỹ bảo tồn di sản văn hóa” để phù hợp với nội hàm bao gồm từng nguyên tắc cụ thể được sắp xếp theo thứ tự riêng biệt. Đồng thời, đề nghị xem xét rà soát để bổ sung các nội dung có liên quan tới tổ chức và hoạt động của quỹ mà Luật giao Chính phủ quy định theo khoản 6 Điều 90 vì hiện dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật chưa thể hiện nội dung này.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-tran-van-thuc-tham-gia-gop-y-ve-du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-217785.htm