Để an toàn lao động không chỉ là khẩu hiệu

Trong năm 2022, mặc dù số vụ tai nạn lao động giảm đáng kể, song số vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người tăng 2 vụ so với năm 2021. Thực tế này đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phải tiếp tục được quan tâm thực hiện quyết liệt, thường xuyên hơn nữa. An toàn lao động- đó không chỉ là khẩu hiệu mà cần phải được xác định là một 'mệnh lệnh', trong đó người lao động và chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc.

Diễn tập cứu hộ, PCCC tại Công ty công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ.

Diễn tập cứu hộ, PCCC tại Công ty công nghiệp hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ.

Cuộc sống của vợ chồng anh Bùi Ngọc Thắng, sinh năm 1979 ở phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) vốn khó khăn. Vậy nhưng hai vợ chồng anh luôn nỗ lực vươn lên với khát khao ổn định cuộc sống và chăm lo tốt cho 3 đứa con đang tuổi đến trường. Anh Thắng làm việc ở cảng Ninh Phúc, còn vợ anh làm công nhân ở một công ty gần nhà. Cuộc sống dẫu chưa dư dả nhưng cũng êm đềm trôi qua cho đến ngày anh Thắng không may gặp tai nạn trong quá trình lao động.

Nhớ lại ngày gặp tai nạn kinh hoàng đó, anh Thắng cho biết: Sau khi tai nạn xảy ra, tôi bị đa chấn thương ở vùng đầu, mắt và chân. Để điều trị cho tới khi tạm ổn định sức khỏe tôi phải mất rất nhiều tháng nằm viện. Bây giờ, tôi bị suy giảm khả năng lao động tới 81%. Tai nạn lao động là rủi ro lớn mà ai cũng mong tránh được. Nhưng nếu chỉ tránh rủi ro bằng chính tâm lý may rủi thì không đủ, người lao động hãy triệt để tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn trong khi làm việc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân. Phía sau mỗi người lao động là một gia đình cần phải chăm lo.

Đã hơn một năm sau ngày chồng mất vì tai nạn lao động, chị Nguyễn Thị Hồng Duyên phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) phải cố gắng để trở thành trụ cột kinh tế cho cả gia đình. Ngôi nhà nhỏ, chật chội, cần kế hoạch sửa sang của hai vợ chồng, giờ đành bỏ ngỏ. Nhiều cực nhọc, lo toan đặt lên đôi vai gầy của chị Hồng Duyên.

"Tôi đã xin đi làm thuê để có nguồn thu nhập chăm lo cho con cái học hành. Cuộc sống có thể sẽ bớt khó khăn nếu tôi làm việc bằng đôi, bằng ba, nhưng những thiệt thòi vì thiếu đi bóng dáng của người chồng, người cha trong gia đình thì không có gì có thể bù đắp được. Tai nạn lao động là một điều khủng khiếp đối với mỗi gia đình. Không chỉ tước đi mạng sống, sức khỏe của một con người, mà còn để lại nỗi đau buồn khôn nguôi của những người thân ở lại… Từ sự mất mát lớn lao mà tôi đã và đang trải qua, tôi mong rằng đó cũng là hồi chuông để cảnh báo doanh nghiệp, người lao động hãy hành động cẩn trọng hơn nữa để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động"- chị Hồng Duyên chia sẻ.

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 vụ tai nạn lao động làm 58 người bị tai nạn (giảm 33 vụ so với năm 2021) trong đó có 3 vụ tai nạn lao động chết người, tăng 2 vụ so với năm 2021. Trong báo cáo của ngành lao động cũng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đúng, đủ về công tác bảo hộ lao động.

Mặc dù đã nằm trong quy định bắt buộc, song thực tế vẫn còn có những doanh nghiệp chưa đầu tư thỏa đáng cho bảo hộ lao động. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ chưa cao, chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ chưa thực sự có hiệu quả; chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có các biện pháp phòng tránh hiệu quả…Trong khi đó, người lao động dù đã được huấn luyện về ATVSLĐ nhưng do ý thức chủ quan, sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm nên cũng dẫn tới TNLĐ…

Tặng quà cho thân nhân người bị tử vong vì tai nạn lao động.

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh ta đã được thực hiện tốt hơn, các dự án về lĩnh vực này cũng được triển khi đồng bộ, công tác tuyên truyền được nâng lên, các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giám sát, thực thi ATVSLĐ cũng được triển khai tốt.

Ông Phùng Minh Chung, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, LĐLĐ tỉnh quản lý trực tiếp 13 LĐLĐ huyện, thành phố và công đoàn ngành với tổng số 1.091 CĐCS, trong đó, có 295 CĐCS khối doanh nghiệp. Hiện nay, 136/295 (đạt 46,1%) CĐCS doanh nghiệp đã thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 1.354 người, 16 doanh nghiệp thành lập Hội đồng ATVSLĐ đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt những quy định của pháp luật về ATVSLĐ ở cơ sở.

Nhằm bảo đảm người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động, quyết liệt trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.

Các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp với các cấp chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực hiện kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ trong đó có nội dung về ATVSLĐ. Phong trào thi đua "Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện lao động"... tiếp tục được nhân rộng. Trong năm 2022, đã có hàng trăm sáng kiến về công tác cải tiến máy móc, kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc được ứng dụng thực tế trong lao động sản xuất, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí sức lao động, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Trong thời gian tới, với quyết tâm hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động, nỗ lực để không có người lao động nào bị chết vì tai nạn trong lao động đòi hỏi phải có sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Trong đó, ngành lao động sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền để tạo nên ý thức "thường trực" và sâu rộng về ATVSLĐ trong toàn xã hội.

Đặc biệt, với chủ đề "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc", Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của hai vấn đề "xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn" và việc "cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc".

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác AT,VSLĐ, Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động hỗ trợ các đơn vị kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc…

Đào Hằng- Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-an-toan-lao-dong-khong-chi-la-khau-hieu/d2023051213592344.htm