Khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương và quyết tâm xây dựng xong dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ để đáp ứng việc khám, chữa bệnh cho người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 13/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương tiếp tục xây dựng dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương tiếp tục xây dựng dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

Nêu tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc giải quyết chế độ chính sách đối với những cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc; rà soát hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, thực hiện tiếp nhận phân cấp, phân quyền, phân định thầm quyền từ Trung ương đến địa phương đã rất chủ động.

Đặc biệt là tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, đi đầu từ bí thư, chủ tịch UBND để giải quyết các vấn đề cụ thể, thực hiện mục tiêu cao nhất là quan tâm, phục vụ người dân tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

“Từ giai đoạn thử nghiệm cho đến khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo tiêu biểu nổi bật. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh đã có những cách làm rất sáng tạo trong việc quan tâm, sắp xếp để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Hay như TP Cần Thơ, bước đầu cũng đã cố gắng để đảm bảo vận hành thông suốt…” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận xét.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã phải ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.

"Bên cạnh đó, hết sức chú ý đến hạ tầng kỹ thuật, để đảm bảo đồng bộ và thống nhất được hệ thống hạ tầng khi sắp xếp hợp nhất các địa phương. Nhất là hạ tầng cấp xã để đảm bảo giải quyết được thủ tục hành chính. Đề nghị tập trung tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng... nhất là cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để làm sao đáp ứng được yêu cầu". - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh, TP khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá tình hình việc thực hiện 3 nội dung quan trọng.

Trong đó, có việc nắm tình hình tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, với phương châm "khó có thể trơn tru, hoàn hảo ngay vì phải có thời gian; song phải nỗ lực tổ chức vận hành trơn tru, hoàn hảo nhất có thể", cả về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, việc sắp xếp cán bộ làm việc tại các xã, đặc biệt là việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan người dân.

Cùng với đó, rà soát việc triển khai các dự án giao thông, hạ tầng quan trọng tại đồng bằng sông Cửu Long; việc triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án chuyển tiếp, nhất là việc xây dựng hạ tầng phục vụ Hội nghị APEC 2027, hệ thống đường bộ cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và kết nối với hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Nam và toàn quốc, tuyến đường ven biển từ đồng bằng sông Cửu Long tới TP Hồ Chí Minh, phát triển giao thông đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các dự án cảng Cái Cui, Hòn Khoai…; tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.

Hội nghị cũng rà soát việc triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo nguồn lúa gạo ổn định, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu… Thủ tướng cho biết vừa qua, đã rất tích cực thúc đẩy thương mại gạo ổn định, lâu dài với các thị trường, như Brazil, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore…; đồng thời để bảo đảm ổn định đầu ra cho người nông dân thì cần có các giải pháp không để xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá".

Quyết tâm triển khai xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính về khó khăn của dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Theo đó, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính về khó khăn của dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính về khó khăn của dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.

Dự án có quy mô 500 giường, với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary tương đương hơn 1.390 tỷ đồng (chiếm 80,66%) và vốn đối ứng của TP Cần Thơ là hơn 334 tỷ đồng (chiếm 19,34%).

Dự án đã giải ngân được 253 tỷ đồng, chủ yếu hoàn thành phần thô, chưa lắp đặt thiết bị y tế, nội thất bên trong. Tuy nhiên, từ ngày 11/7/2022, Hiệp định vay của dự án được ký kết (lần 2) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary đã hết hiệu lực. Phía Hungary sau đó cũng đã quyết định không tiếp tục gia hạn hiệp định vay. Ngoài ra, dự án còn vướng mắc về hợp đồng thương mại giữa chủ đầu tư dự án là Sở Y tế TP Cần Thơ và nhà thầu chính Hungary.

Với những lý do trên, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã ngưng thi công từ ngày 11/7/2022 đến nay. Vì thế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất cho chủ trương dừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hungary và xem xét hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.300 tỷ đồng để cấp bách triển khai dự án trong thời gian tới.

"Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương, địa phương xin cam kết với Thủ tướng sẽ quyết tâm hoàn thành các thủ tục hồ sơ, tiếp tục chỉ đạo thi công, đưa bệnh viện vào hoạt động từ cuối năm 2026" - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu nói.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành và Cần Thơ khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Dự án đã thực hiện bằng nguồn vốn ODA nhưng còn dở dang, nên cần phải xử lý.

Thủ tướng so sánh việc khởi động lại dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ như "ca trực cấp cứu". "Bệnh nhân đến cấp cứu đừng hỏi cái này cái kia nữa, trước hết phải cứu người. Tôi đưa hình ảnh như vậy để thấy sự khẩn cấp đối với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ”. - Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, trước mắt phải cho thanh tra khoanh lại các công việc đã làm và kết thúc sử dụng vốn ODA. Bộ Tài chính phải nhanh chóng bố trí vốn Nhà nước để làm dự án và giao cho TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, xây dựng xong bệnh viện trong năm 2026.

ngọc phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khan-truong-tiep-tuc-thuc-hien-du-an-benh-vien-ung-buou-can-tho.768421.html