Những nước EU chịu tác động lớn nhất của thuế quan Mỹ

Ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo quyết định áp thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu từ ngày 1/8. Giới chuyên gia nhận định các nước thành viên EU có quan hệ thương mại với Mỹ khác nhau nên mức thuế mới sẽ gây ra những tác động khác nhau với từng nước.

Trụ sở Ủy châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ủy châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Ireland và Đức được đánh giá sẽ chịu tác động lớn nhất, bởi Ireland có ngành dược phẩm lớn, trong khi Đức xuất khẩu phần lớn các sản phẩm ô tô, thép và máy móc sang Mỹ. Trong số các nước thành viên EU, Ireland hiện có mức thặng dư thương mại với Mỹ cao nhất, với 86,7 tỷ USD, chủ yếu do các công ty dược phẩm lớn của Mỹ như Pfizer, Eli Lilly và Johnson&Johnson đều đặt trụ sở tại Dublin để tận dụng mức thuế doanh nghiệp 15%, thấp hơn so với mức 21% ở Mỹ. Các công ty này đăng ký bằng sáng chế tại Ireland và bán sản phẩm tại thị trường Mỹ, nơi giá thuốc thường cao hơn so với các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, Ireland cũng là nơi đặt trụ sở của đa số các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ như Apple, Google và Meta, cũng nhờ chính sách thuế hấp dẫn của Ireland.

Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy dược phẩm chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ, với nhiều công ty lớn đã công bố các khoản đầu tư đáng kể vào Mỹ.

Tương tự Ireland, Đức cũng chịu sức ép rất lớn do phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất EU thặng dư thương mại 84,8 tỷ USD với Mỹ, phần lớn nhờ các ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, thép và máy móc hạng nặng. Chỉ đơn cử một ví dụ nhỏ, thị trường Mỹ hiện chiếm 23% doanh thu của hãng xe Đức Mercedes Benz.

Sau Ireland và Đức, Pháp và Italy là hai nước tiếp theo trong danh sách chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thuế quan mới của Mỹ. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy hai nước này đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ lần lượt là 44 tỷ USD và 16,4 tỷ USD (dữ liệu của Pháp thấp hơn nhiều).

Các ngành sản xuất thực phẩm và rượu vang của Italy và Pháp sẽ chịu ảnh hưởng nặng, tương tự như Tây Ban Nha. Giới chuyên gia cho rằng mức thuế 30% sẽ là "thảm họa" đối với ngành rượu vang và rượu mạnh của Pháp. Các lĩnh vực khác của Pháp cũng chịu ảnh hưởng bao gồm hàng không và hàng xa xỉ. LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới - tạo ra 25% doanh số tại Mỹ. Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu của Pháp sang Mỹ, chủ yếu từ Airbus.

Theo nhận định của Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti, thuế đối ứng cao sẽ khiến các nhà sản xuất thực phẩm của nước này và chính người tiêu dùng Mỹ thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, ngành chế tạo ô tô cũng bị ảnh hưởng nhiều, giống như Đức. Liên doanh Pháp - Italy Stellantis (đặc biệt là Fiat và Peugeot) đã hoãn đưa ra dự phóng doanh thu cả năm do những bất ổn liên quan đến thuế quan.

Ngày 12/7, chính quyền Tổng thống Trump thông báo mức thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa EU và Mexico, bắt đầu từ ngày 1/8. Đây là bước đi tiếp theo trong chuỗi hành động thương mại cứng rắn mà “ông chủ Nhà Trắng” thực hiện trong tuần qua. Trước đó, ông đã công bố các mức thuế nhập khẩu với hàng hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brazil và nhiều nước khác, đặc biệt là mức thuế lên tới 50% đối với kim loại đồng vốn là mặt hàng chiến lược trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Những thông báo thuế quan mới nhất của Mỹ đang gây choáng váng cho các đối tác thương mại truyền thống, kể cả EU vốn đang kỳ vọng có thể nối lại đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại toàn diện sau nhiều năm gián đoạn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, chỉ trích mức thuế quan mới của Mỹ nhưng cho biết EU vẫn muốn hợp tác để hai bên có thể đi tới một thỏa thuận thương mại song phương.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-nuoc-eu-chiu-tac-dong-lon-nhat-cua-thue-quan-my-20250713150136570.htm