Để giáo viên không bỏ dạy ngành giáo dục phải có quyền sử dụng kinh phí
Kết thúc năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu hơn 118.000 giáo viên phổ thông. Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu nhưng chuyện thiếu giáo viên trở thành bài toán khó với nhiều địa phương.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương. Hà Nội thiếu 10.265 giáo viên, tuy nhiên, số biên chế được bổ sung trong năm học 2023-2024 chỉ có 2.361 biên chế. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 40.430 giáo viên biên chế, so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao còn thiếu hơn 10.250 giáo viên. Tỉnh Đăk Lắc thiếu gần 1.200 giáo viên để đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2023-2024.
Giáo viên bỏ nghề gây thiếu hụt đội ngũ
Giáo viên nghỉ chế độ BHXH (nghỉ hưu) chiếm số lượng 1/2 số giáo viên nghỉ việc trong khi phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên các địa phương không được tuyển mới.
Tỉnh Thanh Hóa hiện đứng trong top đầu cả nước về tình trạng thiếu giáo viên. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ hiện quy mô trường lớp, sĩ số học sinh tăng thêm, giáo viên đến tuổi nghỉ chế độ nhiều nhưng chủ trương tinh giản biên chế khiến việc tuyển mới bị thắt chặt.
Ngoài ra một nguyên nhân khác của thiếu giáo viên là tình trạng giáo viên bỏ việc.
TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng đây là vấn đề nhức nhối trong ngành, khiến xã hội đặt câu hỏi sao giáo viên phải nghỉ việc, dường như nghề giáo không còn là nghề cống hiến mà chỉ là một nghề mưu sinh.
Tình trạng giáo viên nghỉ việc theo ông Ân xuất phát từ những lý do khác nhau từ khách quan đến chủ quan, vĩ mô đến vi mô.
Có thể kể đầu tiên ở mức lương quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Giáo viên có quyền lựa chọn một việc làm thu nhập tốt hơn, điều kiện làm việc đỡ áp lực hơn. Điều này phù hợp quy luật trong kinh tế thị trường.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 ra đời cùng với những yêu cầu mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi, đồng thời cũng thêm rất nhiều môn học mới đòi hỏi bổ sung giáo viên. Mục tiêu của chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh, không phải tập trung vào kiến thức cùng hàng loạt các nội dung giảng dạy không còn như trước, yêu cầu cải cách việc tổ chức lớp học. Áp lực đổi mới cũng góp thêm nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên ngày càng gia tăng ở các địa phương, TS Đặng Tự Ân phân tích.
TS. Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội, Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng số giáo viên rời bỏ trường công lập xuất phát từ áp lực công việc nặng nề. Trong khi đồng lương không đảm bảo đáp ứng cuộc sống lại thêm những thay đổi về chính sách, yêu cầu văn bằng chứng chỉ nhiều hơn giai đoạn đào tạo trước, một lực lượng lớn giáo viên không đáp ứng yêu cầu về thủ tục tạo ra những thách thức lớn để trụ vững với việc giảng dạy.
Nhiều giải pháp thu hút giáo viên
Trước yêu cầu khẩn thiết về việc bổ sung giáo viên thiếu khi năm học mới bắt đầu, nhiều địa phương đã đưa ra những giải pháp riêng. Tỉnh Hưng Yên dự tính chi khoảng 300 tỷ đồng để thu hút sinh viên ngành sư phạm, tuyển dụng giáo viên cho năm học mới. Theo đó, giáo viên tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng và giáo viên mầm non được hỗ trợ 162 triệu/người. Số tiền này được trao trực tiếp theo hình thức một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác.
Quảng Ngãi hồi đầu cũng ban hành thông báo về việc tuyển dụng giáo viên theo chính sách thu hút, giáo viên không phải trải qua kì thi tuyển mà được ưu tiên xét tuyển. Ngoài lương, phụ cấp ngành, giáo viên được tuyển dụng còn được hưởng thêm 100% lương và phụ cấp khác tăng thêm trong 5 năm, được xét đặc cách tham gia kỳ thi nâng ngạch giáo viên chính.
Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất với Bộ Nội vụ giao thêm chỉ tiêu biên chế, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để các nhà trường được phép ký hợp đồng.
Còn giải pháp có tính dài hơi hơn theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vẫn cần đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên theo nhu cầu thực tế từng địa phương.
Ông Đặng Tự Ân đánh giá các địa phương đã có những chỉ đạo rất sáng tạo nhằm mục tiêu đủ giáo viên học mới cho địa phương. Bởi nếu chỉ dựa vào những quy định sẵn có của của Bộ Nội vụ, năm học mới chắc chắn sẽ bắt đầu với khó khăn lớn bởi sự thiếu hụt giáo viên.
“Tôi mong muốn rằng cần cởi trói cho các địa phương, không nên có những quy định quá cứng nhắc. Văn bản của ta yêu cầu cả 63 tỉnh thành nhưng điều kiện thực tế mỗi nơi mỗi khác. Cho nên tôi rất đồng tình với cách làm của một số địa phương”, ông Ân phân tích thêm.
Chuyện cải cách tiền lương cho giáo viên theo ông Ân được dư luận xã hội cũng như trong toàn ngành nhắc rất nhiều lần mà vẫn chưa được giải quyết tận gốc và mang tính đồng bộ thay vì giải quyết mang tính tình huống, nhỏ lẻ và manh mún của từng địa phương.
Giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tình trạng giáo viên bỏ nghề theo ông Ân cần triển khai đồng thời ở hai cấp độ.
Ở cấp vĩ mô, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quyền nhất định về vấn đề sử dụng kinh phí của Nhà nước giao. Tiếp đến chính là ở quyền tự chủ trong tuyển dụng, quản lý giáo viên. “Cần có đột phá thì mới thực hiện được điều này”.
“Thế mạnh của hệ thống trường tư, đó là người ta tự chủ được tài chính, kéo theo tự chủ về chuyện chuyên môn, trong đó có cả tự chủ chọn giáo viên cũng như giáo viên có năng lực chuyên môn và yêu nghề có cơ hội thi tuyển dễ dàng hơn”, ông Ân lấy ví dụ.
Ở cấp nhà trường, cần thực hiện bài bản và đồng bộ chuyển đổi số trong giáo dục cũng như quản lý giáo dục và chuyển từ quản lý sang quản trị nhà trường.
Công việc dạy học bao gồm hệ thống hoạt động khác nhau, không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức thực hiện. Những áp lực đồng thời từ chương trình, các hoạt động phụ trợ giáo dục, học sinh nhiều lứa tuổi, mong muốn của phụ huynh cùng yêu cầu từ ban giám hiệu đặt lên vai thầy cô. Theo thời gian, nếu không được chia sẻ, giải tỏa cộng thêm mức thu nhập thấp, việc bỏ nghề cũng không khó hiểu. Mô hình trường học hạnh phúc trong đó tập huấn cho hiệu trưởng các trường đang được Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông triển khai bước đầu đã phát huy hiệu quả.