Để học sinh thích học môn lịch sử

Ngày 28/8, phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2021- 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo là: 'Cần có giải pháp để học sinh thích học môn lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của ông cha ta'.

Đại diện học sinh Trường THCS Mai Sơn (Yên Mô) dự lễ khai giảng. Ảnh: Minh Quang

Đại diện học sinh Trường THCS Mai Sơn (Yên Mô) dự lễ khai giảng. Ảnh: Minh Quang

Vấn đề giới trẻ, trong đó có nhiều học sinh không thích học môn lịch sử đã được dư luận xã hội đề cập từ lâu. Nói đến học môn lịch sử là nhiều em lắc đầu, chê vừa dài, vừa khó nhớ. Không ít trường hợp học sinh còn mừng rỡ khi môn học lịch sử không phải là môn thi bắt buộc, mà là môn tự chọn và tất nhiên là khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh đó sẽ không chọn thi môn lịch sử.

Do vậy mà kiến thức về lịch sử của nhiều học sinh rất mơ hồ, chung chung, không nhớ, không hiểu về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Ninh Bình là vùng đất hiếu học, nhưng cũng có nhiều học sinh không thích học môn lịch sử, nên kết quả không cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020- 2021, điểm trung bình môn lịch sử là thấp nhất, đạt 5,62; (trong khi đó, môn toán là 7,06; vật lý 7,01; sinh học 5,82; ngữ văn 6,82; địa lý 7,36; tiếng Anh 6,36 và giáo dục công dân 9,07).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc dạy môn lịch sử còn nặng về việc học thuộc và thiếu tính hấp dẫn. Chương trình sách giáo khoa môn lịch sử khô cứng, không hấp dẫn, nhiều mốc thời gian khó nhớ, khó thuộc, dễ gây nhầm lẫn cho học sinh. Đã thế, không ít nơi vẫn còn dạy và học môn lịch sử bằng cách: thầy, cô giảng- học sinh nghe; thầy, cô đọc- học sinh chép. Sau đó, khi kiểm tra học sinh học thuộc những lời thầy, cô cho chép hoặc như sách giáo khoa. Mà các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ bao lâu nay. Những vấn đề như: bối cảnh lịch sử, nội dung, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học… hầu như đã được định hình sẵn, ít có thể thêm, bớt gì được, nên tính hấp dẫn không cao.

Do đó, những kiến thức lịch sử rất khó vào đầu óc học sinh chứ chưa nói đến sự vận dụng, phân tích, tổng hợp và phát triển thêm. Nguyên nhân nữa là môn lịch sử được phân chủ yếu vào nhóm thuộc các ngành trường đại học về lĩnh vực xã hội, do vậy mà các em học sinh ít quan tâm, chủ yếu là bắt buộc phải học, học cho khỏi bị điểm kém, điểm liệt, học cho "qua", còn tập trung chủ yếu vào học các môn thi đại học như: Toán, Lý, Hóa, Sinh học… và ngoại ngữ để vào các ngành, trường đang "hot". Với động cơ học tập như thế nên học sinh cũng không yêu thích môn lịch sử.

Các bậc phụ huynh hoặc là ít quan tâm, "việc học là của con", hoặc là cũng định hướng cho con em mình học gì mà sau này vào các trường đại học liên quan đến kinh tế để lo cuộc sống tương lai. Nhà trường, thầy, cô giáo cũng không thể can thiệp bắt học sinh phải yêu thích môn lịch sử để học cho giỏi được.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự tác động của truyền thông như: tivi, mạng xã hội, điện thoại, máy tính, sách, báo, phim, tranh ảnh… làm cho học sinh có nhiều trò giải trí sinh động, tươi mới, hấp dẫn hơn nhiều so với môn lịch sử khô khan. Thế nên, hình như môn học lịch sử ngày càng bị người trẻ xa rời.

Lịch sử là một môn khoa học xã hội rất quan trọng. Học lịch sử để hiểu biết về truyền thống văn hóa và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của ông cha ta ở một vùng quê hay của đất nước, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và văn hóa Việt Nam. Bác Hồ đã từng dạy: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đất nước ta đã có hàng nghìn năm lịch sử với biết bao những chiến công anh hùng chói lọi trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ninh Bình là vùng đất lịch sử với biết bao tên đất, tên người đã tạc vào lịch sử của dân tộc bằng những tượng đài bất diệt, tiêu biểu như: Đinh Tiên Hoàng đế- người sáng lập Nhà nước Đại Cồ Việt- nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, mở nền "chính thống thủy". Lịch sử của một vùng đất, một dân tộc cũng như cuộc đời của một con người, có lúc thăng, lúc trầm, có những chiến công hiển hách, lẫy lừng, nhưng có những trang sử đầy đau thương, uất hận. Dù là lúc nào thì mạch nguồn dòng chảy lịch sử cũng không bao giờ dứt. Sự kiện lịch sử này là tiền đề, là điểm xuất phát của sự kiện lịch sử tiếp nối và sự kiện tiếp nối có thể lại là nguyên nhân của sự kiện sau.

Mặc dù không thể tái hiện được các sự kiện lịch sử đó nhưng bằng những chứng cứ vật chất, những dấu vết của quá khứ giúp chúng ta hiểu được những hoạt động của cha, ông ta trong không gian và thời gian lịch sử cụ thể. Từ đó, các thế hệ đi sau có thể rút ra các bài học có giá trị cho mình, cả sự thành công và thất bại mà những người đi trước đã trải qua. Càng có độ lùi về thời gian của sự kiện lịch sử, con người càng có sự nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, công tâm, khách quan đối với những gì mà lịch sử đã diễn ra.

Nếu không học lịch sử, lớp trẻ hôm nay sẽ không thể tự hào với những chiến công phá Tống, bình Chiêm, đánh giặc Nguyên, đuổi giặc Minh, diệt giặc Thanh của các bậc tiền nhân thưở trước. Không thể hiểu và biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ- Người đã ra đi tìm con đường cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Từ ngày có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, nhân dân ta đã đứng lên đánh giặc Pháp, đuổi phát xít Nhật, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Không học lịch sử, không thể tự hào khi nghe tên tuổi những anh hùng dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.... và càng không thể sục sôi khí thế của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… cùng nhiều tên đất, tên sông mà mỗi khi nhắc đến kẻ thù đều khiếp sợ.

Ngày nay, các em học sinh được sách mới, áo hoa đến trường là có biết bao mồ hôi, xương, máu của các bậc tiền nhân, các anh hùng, liệt sỹ đã đổ xuống cho mảnh đất này. Nếu không học lịch sử sẽ không nhớ Tổ quốc, ông cha, trái với đạo lý tốt đẹp "uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Học môn lịch sử cùng với những kiến thức văn hóa sẽ góp phần vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, ý chí, nghị lực cho học sinh- những chủ nhân tương lai của đất nước- để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ đi trước.

Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, của các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và toàn xã hội về vai trò của môn lịch sử trong giáo dục cho các em học sinh. Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành giáo dục đào tạo, hy vọng sẽ có nhiều em học sinh thích học môn lịch sử và kết quả điểm trung bình trung môn lịch sử của kỳ thi THPT năm sau sẽ cao hơn năm trước.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-hoc-sinh-thich-hoc-mon-lich-su/d20210910094954849.htm