'Để kinh tế tư nhân bứt phá, cải cách thể chế là dễ nhất'
Nhiều nhóm giải pháp cần được triển khai để hiện thực hóa các nội dung nêu trong Nghị quyết 68, trong đó, theo chuyên gia, cải cách thể chế là giải pháp rẻ nhưng hiệu quả nhất.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là khu vực quan trọng nhất, cần tạo điều kiện để khu vực này phát triển. Ảnh: Chí Hùng.
Tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/5, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nêu vấn đề về vai trò của thể chế, cải cách thể chể để phát triển kinh tế tư nhân.
Ông nhấn mạnh để phát triển kinh tế tư nhân, gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế.
Tinh thần cải cách thể chế lần này rất khác
Đồng tình với góc nhìn này, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, chuyên gia kinh tế, khẳng định nếu cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp thì đây là biện pháp cải cách dễ nhất, rẻ nhất nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất.
Theo chuyên gia này, nhìn vào Nghị quyết 68, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Ông cũng dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm, cho rằng thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và nếu như tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động sẽ rất lớn. Điều này được hiểu là thể chế phải đi trước thì mới có kết quả.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế trong Nghị quyết 68 không chỉ là "sửa đổi" mà là "bãi bỏ", "cắt giảm" - tức một khi quy định không còn tốt thì giải pháp không phải là sửa cho nó tốt hơn, mà phải bãi bỏ. Ông đánh giá tinh thần này rất khác trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước.
Bên cạnh đó còn là câu chuyện thực thi pháp luật. Chẳng hạn, xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp thì phải áp dụng những biện pháp phù hợp với tính chất của vụ việc kinh tế. Xử lý vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính thì phải tách bạch với hình sự.
Vị chuyên gia bày tỏ mong muốn có một thể chế cạnh tranh ở khu vực, tức một ý tưởng kinh doanh nào mà không thể thực hiện được ở nước nào khác nhưng có thể thực hiện ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh đó mới là thể chế cạnh tranh.
Nhiều nội dung sẽ được luật hóa
Sau khi Bộ Chính trị công bố Nghị quyết 68, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 68, đồng thời dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68.
Cập nhật tại tọa đàm hôm nay, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), cho biết lãnh đạo Bộ đã ngồi với các nhóm doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, từ đó xây dựng chương trình hành động của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay đến nay, cơ quan soạn thảo đã cố gắng thể chế hóa tối đa các nội dung có nêu trong Nghị quyết 68, cụ thể là các nội dung "nhìn thấy rõ và làm được ngay". Còn những vấn đề cần thời gian nghiên cứu để đạt độ "chín" thì sẽ được thể hiện ở các luật.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, bà Thủy cho hay những vấn đề trong Nghị quyết 68 nêu nguyên tắc xử lý sai phạm trong phân định hành chính dân sự kinh tế và hình sự sẽ được đưa vào. Hay quy định thanh tra đối với doanh nghiệp chỉ tiến hành một lần trong một năm cũng đã được đề cập.
"Trong Nghị quyết đã nói như thế và hiện nay Luật Thanh tra chưa có quy định này. Chúng tôi muốn sớm sửa Luật Thanh tra, khẳng định nếu không có vi phạm thì chỉ kiểm tra mỗi năm một lần", bà Thủy nói.
Việc tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng đã được thể chế hóa. Các vấn đề khoa học công nghệ cũng được đưa vào dự thảo Nghị quyết, các chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện nghiên cứu và phát triển sẽ được tính thành 200% khi xác định để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng nghĩa, khi doanh nghiệp bỏ 1 đồng thì chi phí được trừ khi xác định thuế là 2 đồng. So với các nghị quyết đặc thù trước đây, tỷ lệ này chỉ được 150%.
Hoặc miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp, miễn phí, lệ phí môn bài từ năm 2026 cũng đã được dự kiến.
Hay kể cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, không cần phải Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề xuất mà doanh nghiệp tự thấy mình làm được thì có thể đề xuất, và Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng đưa vào dự thảo tối đa 9-10 nhóm chính sách đã nêu trong Nghị quyết. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết của Quốc hội sẽ được ban hành trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ.