Để nghệ thuật múa đến gần công chúng

Sự phát triển của các trào lưu nghệ thuật và giải trí hiện đại khiến múa, đặc biệt là múa truyền thống ngày càng trở nên kém hấp dẫn đối với một bộ phận khán giả trẻ. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho các hoạt động múa, từ việc đào tạo nghệ sĩ, xây dựng cơ sở vật chất đến việc duy trì các hoạt động biểu diễn… cũng là những vấn đề rất đáng bàn.

Nhiều biên đạo múa trẻ thử sức với các vở diễn mang đề tài văn hóa truyền thống. Ảnh: P. Sỹ.

Nhiều biên đạo múa trẻ thử sức với các vở diễn mang đề tài văn hóa truyền thống. Ảnh: P. Sỹ.

Khi múa bước ra khỏi sân khấu

Nghệ thuật múa thời gian gần đây đã có những bước chuyển động mạnh mẽ, phản ánh sự sáng tạo, giao thoa văn hóa và khai thác sâu sắc các chất liệu truyền thống, thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người yêu múa.

Điển hình như vở múa đương đại "Rơm" đã được trình diễn trên cánh đồng lúa chín tại Hội An. Tác phẩm kết hợp âm nhạc dân gian và múa đương đại, tái hiện hình ảnh làng quê Việt Nam vào mùa gặt, tôn vinh vẻ đẹp bình dị và tinh thần lao động của người nông dân.

Qua vở múa “Rơm”, đạo diễn Tấn Lộc đã mang đến cho khán giả một góc nhìn khác và trải nghiệm mới về ụ rơm quen thuộc. Những chuyển động mềm mại nhưng đầy lực của vũ công mô phỏng việc gặt hái, phơi lúa, chất rơm… mang đến cho người xem những cảm nhận chân thực về một làng quê yên bình.

Thay vì sân khấu truyền thống, vở múa diễn ra ngay trên cánh đồng, tận dụng ánh sáng mặt trời, gió và không gian mở để tạo nên một trải nghiệm sống động, vừa gần gũi vừa siêu thực. “Rơm” đã giúp người xem có những trải nghiệm thú vị, thấy gần gũi và yêu thích hơn nghệ thuật múa.

Hay như vở múa đương đại “Sesan”, do biên đạo Tuyết Minh làm tổng đạo diễn lấy cảm hứng từ dòng sông Sê San, sử dụng ngôn ngữ múa đương đại kết hợp với múa dân gian của các dân tộc, cùng âm nhạc truyền thống như cồng chiêng, đàn đá, trống, hòa quyện với nhạc điện tử hiện đại đã mang đến những cảm xúc vô cùng thú vị cho người xem.

Một tác phẩm khác cũng gây được nhiều chú ý của giới chuyên môn chính là “Nàng Mây”, biên đạo Nguyễn Hải Trường. Lấy cảm hứng từ nghề mây tre đan truyền thống Việt Nam, tác phẩm này đã thể hiện thành công sự kết hợp giữa múa dân gian và đương đại.

Có thể nói, các tác phẩm này đã rất thành công trong việc kết hợp yếu tố dân gian và đương đại, thể hiện sự sáng tạo và chiều sâu của nghệ thuật múa đương đại trong việc tôn vinh văn hóa truyền thống.

TS.NSND Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội chia sẻ, từ những điệu múa dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, đến những tác phẩm múa hiện đại, nghệ thuật múa đã không ngừng đổi mới và phát triển. Sự thành công của các vở diễn cũng cho thấy khả năng giao thoa giữa yếu tố dân gian và đương đại không chỉ là xu hướng mà còn là cách để làm mới và giữ gìn bản sắc văn hóa trong nghệ thuật múa.

Đổi mới tư duy tiếp cận khán giả

Mặc dù có những vở diễn mới, có nhiều nghệ sĩ trẻ năng động, sáng tạo, hết lòng với nghệ thuật múa, nhưng cũng không thể phủ nhận loại hình nghệ thuật này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến sân khấu ngày càng thưa vắng khán giả. Nhiều buổi biểu diễn múa diễn ra trong cảnh hàng ghế trống vắng, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ thưởng thức.

Một trong những nguyên nhân chính là sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại đã thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Múa – nếu không được đổi mới về hình thức, nội dung và cách tiếp cận dễ bị đánh giá là "kén người xem", khó tiếp cận hoặc quá xa rời thị hiếu đương đại.

Cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho các hoạt động múa, từ việc đào tạo nghệ sĩ, xây dựng cơ sở vật chất đến việc duy trì các hoạt động biểu diễn.

NGND Phùng Hồng Quỳ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, chia sẻ múa truyền thống chứa đựng những giá trị văn hóa tuyệt vời nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn nên chưa thu hút được công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

“Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có những cách làm mới mẻ, đột phá hơn nữa. Nghệ thuật múa, với sức mạnh biểu cảm mạnh mẽ và khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc, có tiềm năng rất lớn, nhưng nếu không đổi mới, sang tạo sẽ khiến nó trở nên khó tiếp cận khán giả, nhất là với những người trẻ” - ông Quỳ chia sẻ.

Múa không chỉ là nghệ thuật được thể hiện trong những nhà hát, sân khấu mà còn có thể được đưa đến công cộng, như trong các không gian ngoài trời, phố đi bộ, hay các sự kiện thể thao, âm nhạc... Múa cũng có thể kết hợp với âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hay các hình thức nghệ thuật khác như diễn xuất, hội họa, phim ảnh, thậm chí thời trang để nâng cao sự hấp dẫn của vở diễn và mở rộng đối tượng khán giả.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của những người làm nghệ thuật truyền thống, một số ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn, đổi mới nghệ thuật múa là điều tất yếu trong dòng chảy phát triển của văn hóa hiện đại nhưng mọi sự sáng tạo cần bắt nguồn từ nền tảng truyền thống, để nghệ thuật múa hấp dẫn nhưng không lạ lẫm, thiếu bản sắc.

Về vấn đề này, TS.NSND Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, cần có sự đầu tư, khuyến khích các biên đạo múa sáng tác các tác phẩm mới dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, kết hợp yếu tố hiện đại với truyền thống để tạo ra những tác phẩm độc đáo, hấp dẫn, có bản sắc riêng.

Bên cạnh đó, bà Hà cũng nêu thực tế, hiện các nghệ sĩ múa – đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ và làm việc ở các đoàn nghệ thuật công lập đang đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập thấp, điều kiện làm việc hạn chế, cường độ luyện tập cao, tuổi nghề ngắn, nhưng chế độ lương, phụ cấp, và bảo hiểm xã hội chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Vì vậy, để nghệ thuật múa tiếp cận khán giả nhiều hơn – đặc biệt là trong thời đại cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí hiện đại – cần có chiến lược tổng thể, kết hợp giữa nội dung nghệ thuật, hình thức trình diễn, truyền thông, và cơ chế hỗ trợ.

“Cần có chính đãi ngộ đối với nghệ sĩ múa cũng như chế độ lương, bồi dưỡng lao đồng nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ khác phù hợp. Thế hệ nghệ sĩ trẻ luôn có những góc nhìn mới mẻ và táo bạo nên cùng với các chế độ đãi ngộ tốt thì việc tạo điều kiện để người trẻ thử nghiệm và phát triển các hình thức múa đương đại là việc làm cần thiết” - NSND Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-nghe-thuat-mua-den-gan-cong-chung-10305085.html