Đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này.
Sáng 20.2, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông” họp phiên thứ 2.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm.
Mục tiêu của đoàn giám sát là nhằm chỉ ra được những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 11 và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51.
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã được triển khai đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 rộng khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng miền (không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới. Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài tiếng Anh chậm so với các môn học khác.
Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa/thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Một số đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT cần làm rõ việc áp dụng Chương trình GDPT 2018 trong khối giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề; cần có phương án khả thi để giúp giáo viên tiếp cận sớm hơn với tài liệu giảng dạy, nhất là đối với những khối lớp đang tiến hành đổi mới chương trình.
Liên quan đến một điểm mới quan trọng trong chương trình GDPT mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể nội dung chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu thực tế hiện nay các trường học triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự “cuốn chiếu”, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này.
Cùng tham gia thảo luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay các địa phương có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy cần có sự đẩy mạnh về công tác thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu Nghĩa đề nghị Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước.
Giải trình về những nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc kiểm tra, đánh giá năng lực theo hướng đánh giá quá trình, thông qua các hoạt động, dự án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động để giải quyết vấn đề, học sinh phải tìm tòi, trao đổi, khám phá. Qua đó, giáo viên đánh giá thường xuyên. Trong việc đánh giá định kỳ, bộ xây dựng các ma trận đề phù hợp.
Liên quan đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh bộ đã ban hành công văn hướng dẫn quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung cho từng môn học. Các nhà trường xây dựng chương trình để bù đắp kiến thức cho các em.
Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích ở các nước trên thế giới không phải tất cả môn khoa học đều có giáo viên dạy được 3 phân môn mà tùy theo điều kiện của từng trường để bố trí giáo viên phù hợp. Bộ đã đưa ra lộ trình, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn và có lộ trình từng năm; rất linh hoạt với từng trường, qua đó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung hoàn thành việc tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và 63 tỉnh thành (đoàn đại biểu quốc hội, HĐND và UBND cấp tỉnh) phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát và chuẩn bị dự kiến các nội dung làm việc với Chính phủ, các bộ ngành trung ương vào ngày 28.3.2023; tài liệu gửi đến các thành viên đoàn giám sát trước ngày 20.3.2023.