Đề nghị duy trì đóng phí công đoàn 2% quỹ tiền lương

Về nguồn tài chính công đoàn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành việc quy định 'kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động'.

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Luật Công đoàn hiện hành được ban hành năm 2012. Sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, nhiều đại biểu đồng tình việc sửa đổi Luật Công đoàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau ở một số nội dung trong dự thảo.

Nên duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn

Về nguồn tài chính công đoàn, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành việc quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành. Theo ĐB, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

 ĐBQH dự phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐBQH dự phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng thời còn tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) cho rằng, việc tiếp tục quy định thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở.

 ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, ĐB đề nghị nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn.

Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn được minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.

Tăng chức năng giám sát cho công đoàn

ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đồng tình với quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

 ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB cho rằng, công đoàn không chỉ “tham gia, phối hợp” mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát, nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội.

Tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, việc thực hiện phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội gặp nhiều khó khăn do một số quy định pháp lý. Từ đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định, quy trình, pháp lý của tổ chức công đoàn để tăng chức năng phản biện xã hội của tổ chức công đoàn.

 ĐBQH dự phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐBQH dự phiên thảo luận sáng 18-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Về phần mình, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, quan hệ của tổ chức công đoàn với chủ doanh nghiệp là quan hệ phối hợp, được thể chế bằng luật và cũng quy định trong Bộ luật Lao động. Thế nhưng, nếu cho phép tổ chức công đoàn có quyền kiểm tra, thanh tra thì cần cân nhắc.

Người nước ngoài được tham gia công đoàn

Góp ý về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình việc cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam gia nhập công đoàn. Điều kiện là họ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở.

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, đây là quy định mang tính nhân văn, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam. Điều này còn tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự công bằng giữa lao động trong và ngoài nước.

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình ý kiến trên, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, nên thu hút và khuyến khích tập hợp người lao động là người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt là những người có khả năng định cư và lao động lâu dài ở nước ta.

Cùng ý kiến trên, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng, việc người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam được gia nhập công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn với lao động là người Việt Nam. Đồng thời, tạo sự thuận lợi để tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-duy-tri-dong-phi-cong-doan-2-quy-tien-luong-post745116.html