Đề nghị làm rõ tình trạng sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức để có giải pháp hữu hiệu

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, để có những 'kịch bản' chỉ đạo, điều hành một cách phù hợp, linh hoạt.

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mặc dù mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2023 là 6,5%, nhưng bằng mọi giải pháp điều hành, chỉ đạo linh hoạt, chúng ta đạt được mức tăng trưởng 5,05% - đây là một nỗ lực rất lớn của đất nước ta. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước tình hình khó khăn chung, Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục dành sự quan tâm, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua chăm lo cho người nghèo để ổn định cuộc sống của nhân dân thông qua những việc làm cụ thể, như giải quyết việc làm, lao động, nhất là đối với nông thôn; quan tâm giải quyết vấn đề thất nghiệp ở thành thị…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một số vấn đề còn băn khoăn, đó là kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%; thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%. “Do đó, chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới; đồng thời quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong 7 tháng còn lại của năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, để có những “kịch bản” chỉ đạo, điều hành một cách phù hợp, linh hoạt. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân…

Cần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Phát biểu về kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP dù chưa đạt mục tiêu nhưng lại là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, đồng thời kiến nghị, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của Chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm; cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.

“Chúng ta không sợ nguồn hỗ trợ quá tải đối với các ngân hàng, bởi sau hàng loạt biến cố dồn dập những năm qua, các doanh nghiệp không đủ sức khỏe đã bị loại khỏi thị trường, chỉ những doanh nghiệp đủ tiềm lực cả về tài chính và sức mạnh khoa học công nghiệp mới chống chịu được” – đại biểu nêu và cho rằng, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư sao cho minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.

Các giải pháp về vốn, thuế, phí chí mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư; xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ; cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định tăng trưởng vĩ mô; tập trung thúc đẩy tổng cầu mạnh mẽ, quyết liệt…

“Đề nghị Chính phủ cần kiểm soát tốt và bảo đảm đầy đủ nguồn cung với giá ổn định, nhất là đối với nhóm tác động mạnh tới lạm phát như lương thực, thực phẩm và xăng dầu (chiếm đến 70%); có chính sách ưu đãi, khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế” - đại biểu Nguyễn Như So đề nghị.

Làm rõ thực trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ trách nhiệm

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là thực trạng nhiều cán bộ, công chức né tránh, sợ trách nhiệm; đề nghị Chính phủ cần làm rõ tình trạng sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức để có giải pháp hữu hiệu.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) dẫn ra số liệu năm 2023 và đầu năm nay đã xử lý kỷ luật với gần 18.000 trường hợp cán bộ công chức, đồng thời đặt câu hỏi là vậy có bao nhiêu trường hợp vi phạm liên quan đến đạo đức công vụ, trốn tránh và thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc?

Các đại biểu tổ 13 thảo luận.

Các đại biểu tổ 13 thảo luận.

Cũng nói về tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan tới những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thực tế đang có mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến cho các cán bộ công chức phải giữ gìn lấy sự an toàn. Vì vậy, việc đánh giá cán bộ né tránh trách nhiệm cần nhìn nhận đầy đủ, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để không xảy ra hậu quả pháp lý.

“Không ai dám làm khi những việc pháp luật quy định không rõ ràng vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý và thực tế một bộ phận cán bộ đã chịu sự rủi ro pháp lý. Anh nào liều, cương quyết làm thì khi có sự kiện xảy ra, thanh kiểm tra vào thì sẽ rủi ro pháp lý. Nếu nhắm mắt làm thì đi tù, vậy có ai muốn chịu rủi ro như vậy?” – đại biểu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Cho rằng tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên vẫn diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy. “Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – đại biểu Vũ Hồng Thanh nói.

Sốt ruột về tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy né tránh trách nhiệm, đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nói Thủ tướng đã có 4 công điện, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo nhưng "tình hình không có chuyển biến".

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-lam-ro-tinh-trang-so-trach-nhiem-cua-mot-bo-phan-can-bo-cong-chuc-de-co-giai-phap-huu-hieu-i732090/