Đề nghị quy định rõ về trí tuệ nhân tạo, luật hóa tài sản số, tiền mã hóa

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu dẫn số liệu, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam và cho rằng, nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số.

Trí tuệ nhân tạo diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhưng cũng tồn tại vấn đề đáng lo ngại

Sáng 30/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, việc quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự thảo luật là rất cần thiết, bởi hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng với nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Vì vậy, các quy định trong dự thảo luật phải bảo đảm nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng vừa phải có những quy định để bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu.

Liên quan Điều 65 dự thảo luật về việc thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, dự thảo luật phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo thành 3 loại là: rủi ro cao, tác động cao và rủi ro thấp, tuy nhiên chưa làm rõ mục đích của việc phân loại này.

"Chúng tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro theo mức độ phân tầng. Theo đó, có thể nghiên cứu quy định đối với hệ thống rủi ro thấp, chỉ cần yêu cầu nhà phát triển và cung cấp dịch vụ tự công bố tuân thủ các quy định về xây dựng và phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo mà không áp dụng cơ chế tiền kiểm để tạo không gian cho sự phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đối với hệ thống rủi ro cao, cần qua hệ thống kiểm tra độc lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt", ông góp ý.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhà phát triển và cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo phải cung cấp tài liệu kỹ thuật giải thích cơ chế hoạt động của các thuật toán của hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt với hệ thống rủi ro cao. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng một bộ chỉ số minh bạch để đánh giá mức độ rõ ràng của hệ thống, ví dụ như khả năng giải thích đầu ra của hệ thống trí tuệ nhận tạo cho người dùng là những người không chuyên ngành.

ĐBQH Lã Thanh Tân.

ĐBQH Lã Thanh Tân.

Cũng phát biểu về hai lĩnh vực rất mới là trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nhất trí với quan điểm chỉ đưa vào những quan điểm mang tính nguyên tắc, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt, thích nghi với sự thay đổi rất nhanh của những lĩnh vực này trên thế giới và ở Việt Nam chưa ứng dụng nhiều. Ông cũng đề nghị, cần làm rõ thêm vị trí của trí tuệ nhân tạo trong công nghiệp công nghệ số, là loại hình công nghiệp lõi, loại hình công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số, hay là loại sản phẩm dịch vụ công nghệ số để nhận biết và áp dụng các cơ chế chính sách...

Chẳng nhẽ mua bán, giao dịch tài sản số bằng tiền thật?

Liên quan vấn đề tài sản số, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu dẫn các báo cáo nghiên cứu thống kê cho thấy Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người có sở hữu tài sản số, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam. "Nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số", ông nhấn mạnh.

ĐBQH Thạch Phước Bình.

ĐBQH Thạch Phước Bình.

Để hoàn thiện các quy định về tài sản số, ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như phân loại tài sản số thành tiền mã hóa, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số... Pháp luật các nước cũng đã có những quy định phân loại cụ thể để có những hình thức quản lý tài sản số phù hợp. Ví dụ như pháp luật Trung Quốc cấm hoàn toàn các giao dịch đối với tiền mã hóa nhưng lại cho phép giao dịch một số tài sản số khác.

Bên cạnh đó, dự thảo còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, qua đó tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy đây là một nội dung rất quan trọng. Chẳng hạn, pháp luật của Liên minh Châu Âu đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số như phải đăng ký hoạt động; phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm phát hành; các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số cũng phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong giao dịch...

ĐBQH Bế Trung Anh.

ĐBQH Bế Trung Anh.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng theo hướng các giao dịch tài sản số phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp về nguyên tắc quản lý tài sản số. Điều 16 cần làm rõ các giai đoạn của dòng đời tài sản số, ví dụ như tạo lập giao dịch, lưu trữ quỹ bỏ và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.

ĐBQH Bế Trung Anh (Trà Vinh) cho rằng, hiện nay chúng ta đã có xã hội số, Chính phủ số và đặc biệt là kinh tế số. Do đó, muốn có kinh tế số lành mạnh thì các giao dịch kinh tế số phải dựa vào các quy định của pháp luật. "Trong luật này đã định nghĩa về tài sản số, nhưng tôi chưa thấy có định nghĩa về tiền số. Thế chẳng nhẽ là chúng ta mua bán, giao dịch tài sản số bằng tiền thật? Cho nên, tôi đề nghị cần phải có khái niệm tiền số đưa vào để quản lý", ông nêu quan điểm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-nghi-quy-dinh-ro-ve-tri-tue-nhan-tao-luat-hoa-tai-san-so-tien-ma-hoa-i751899/