Đề nghị tạo cơ chế đặc thù trong triển khai 2 dự án đường vành đai
Thảo luận tại hội trường sáng 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tạo cơ chế đặc thù trong triển khai dự án đường vành đai 4 và đường vành đai 3.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá Chính phủ đã trình dự án rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hai đầu tàu kinh tế của cả nước; đồng thời bày tỏ hy vọng khi triển khai, 2 dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.
Đại biểu cho rằng, hai dự án này có nguồn vốn đầu tư, rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn địa phương với nguồn vốn địa phương, có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nguồn vốn trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các tỉnh thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án.
Nếu tăng thu thì phải phụ thuộc vào thu ngân sách hàng năm theo dự toán Trung ương giao. Nguồn tăng thu còn dùng cho quỹ cải cách tiền lương, dành cho nhiều mục tiêu khác như trả nợ công, chi cho an sinh xã hội…
Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này. Về giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tiến độ của 2 dự án này, đại biểu đề nghị trong phân cấp, phân quyền, khi thành lập khung chính sách, nên nghiên cứu để giai đoạn từ lúc địa phương lập khung chính sách giải phóng mặt bằng đến lúc trình Thủ tướng Chính phủ cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.
Kỳ vọng dự án sớm được triển khai thực hiện
Nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội khẳng định, đây là hai dự án có tính đột phá chiến lược, tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng Tp.Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, đây cũng là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch và hiện thực hóa rõ ràng hơn về những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030 - 2045 của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Đại biểu cũng cho biết, cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.
Đại biểu cho biết, về quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô và vùng Tp.Hồ Chí Minh đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Đại biểu nhấn mạnh một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành.
Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP.Hồ Chí Minh gặp phải. Đại biểu cho biết đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.
Đại biểu đặt vấn đề, làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.
Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng lưu ý khi triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề nghị Quốc hội cho theo phương án như Chính phủ trình là cho được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.
Hải Minh, Ngọc Trang