Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn: Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm

Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Đại Đồng, tỉnh Hòa Bình, yêu cầu học sinh bàn về ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích bạn phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ những lựa chọn và quyết định mà bạn đã thực hiện (hoặc không thực hiện). Theo đó, bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi việc mình làm và cả kết quả của chúng nữa. Bạn phải chịu trách nhiệm cả với những rủi ro, hậu quả cho hành động của mình.

Câu 3. Biện pháp tu từ: điệp ngữ "Bạn phải chịu trách nhiệm". Tác dụng: Tăng khả năng biểu đạt cho câu văn. Nhấn mạnh vai trò của cá nhân đối với những việc mình làm.

Câu 4. Đồng tình. Lý giải: Mỗi một cá nhân đều tồn tại độc lập có lối suy nghĩ và cách sống riêng. Đối với mỗi một việc xảy ra trong đời sống đều là kết quả của quyết định mà bạn đã đưa ra. Sẽ không ai có quyền can thiệp vào những quyết định của bạn. Vì thế cuộc đời của bạn là do chính sự lựa chọn và quyết định của bạn mà nên.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm.

- Sống có trách nhiệm là việc mỗi cá nhân sống có ý thức, sống tốt đẹp, dám chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm, dám đối diện với những lỗi lầm mình gây ra.

- Ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm: Xây dựng môi trường xã hội tích cực: Sống có trách nhiệm giúp xây dựng một môi trường xã hội tích cực, nơi mọi người có thể cảm thấy an toàn, được tôn trọng và được hỗ trợ.

+ Phát triển bản thân: Trách nhiệm khuyến khích sự phát triển cá nhân. Chúng ta phải đối mặt với thách thức và học hỏi từ kinh nghiệm để trở thành người tốt hơn. Sống có trách nhiệm là việc làm liên tục để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân.

=> Ýnghĩa của việc sống có trách nhiệm không chỉ là đối với bản thân mà còn đối với toàn xã hội và môi trường tự nhiên. Nó là cách chúng ta đóng góp vào một thế giới tốt đẹp hơn và tạo ra cuộc sống ý nghĩa hơn cho chính bản thân và người khác.

Câu 2. Phân tích vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích; từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về con người của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

* Vẻ đẹp hình tượng ông lái đò qua cuộc giao chiến với Sông Đà

- Cuộc vượt thác lần một:

+ Khi thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới ở một tư thế hiên ngang, chủ động không hề sợ hãi sẵn sàng nghênh chiến đối đầu với dòng thác dữ.

+ Ông lái đò hai tay giữ chặt mái chèo để khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Cho thấy sự vững vàng để đối chọi luồng nước giữ.

+ Trước đoàn quân liều mạng sóng nước xông vào (…), ông đò "cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi" nhưng vẫn kiên cường vượt qua cuộc hỗn chiến, vẫn cầm lái chỉ huy "ngắn gọn mà tỉnh táo" để phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.

=> Kết quả: Vậy là phá xong trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Nổi bật lên sự dũng cảm của ông lái đò.

- Cuộc vượt thác lần hai:

+ Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật.

+ Trước dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá, ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên dòng thác như cưỡi trên lưng hổ. Ông ghì cương lái miết về phía luồng cửa sinh sau khi bám chắc luồn nước đúng.

+ Khi bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước xô ra, ông đò không hề nao núng mà tỉnh táo, linh hoạt thay đổi chiến thuật, ứng phó kịp thời "đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến" để rồi "những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền".

- Cuộc vượt thác lần ba:

+ Ông cứ "phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá", "vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được"… để rồi chiến thắng vinh quang. => Câu văn "thế là hết thác" như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.

- Nguyên nhân chiến thắng:

+ Thứ nhất, đó là chiến thắng của sự ngoan cường, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống.

+ Thứ hai, đây là chiến thắng của tài trí con người, của sự am hiểu đến tường tận tính nết của sông Đà.

+ Thứ ba, là sự tài hoa của một người nghệ sĩ.

* Nhận xét

- Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức:

+ Một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm.

+ Một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo.

=> Cuộc chiến không cân sức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên.

* Nhận xét về cái nhìn mang tính phát hiện về con người của Nguyễn Tuân

- Nguyễn Tuân thể hiện cái nhìn mang tính phát hiện về con người: Người anh hùng không chỉ có ở chiến trường chống giặc ngoại xâm mà còn có ngay trong cuộc sống lao động hằng ngày. Với Nguyễn Tuân, ông đò còn là một nghệ sĩ bởi ông chỉ là người lao động bình thường nhưng đã hoàn thành công việc bình thường ấy một cách xuất sắc.

- Đây chính là cách Nguyễn Tuân tôn vinh, ca ngợi ý chí con người, ngợi ca lao động vinh quang đã giúp con người chiến thắng sức mạnh của thiên nhiên hung dữ. Và ông lái đò là chất vàng mười đã qua thử lửa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

=> Qua đó thấy được phong cách độc đáo, tài hoa, uyên bác và cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nhà văn.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-mon-ngu-van-y-nghia-cua-viec-song-co-trach-nhiem-179240618234247082.htm