Đề thi thử tốt nghiệp Ngữ văn: Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu

Một đoạn trích trong tác phẩm 'Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu' của tác giả Rando Kim, Kim Ngân dịch, được sử dụng làm ngữ liệu đọc hiểu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lương Đắc Bằng, tỉnh Thanh Hóa.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Theo văn bản, điều khiến con người tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc là: tự do, không bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác.

Câu 3. Tác giả cho rằng: "Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác vì: Mỗi con người đều có chủ kiến về giá trị bản thân và quan niệm riêng về hạnh phúc. Những lời bình phẩm tùy tiện có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm nhận về hạnh phúc của người khác.

Câu 4. Bạn không chủ động được cuộc sống của mình; cách nhìn, cách đánh giá, thái độ, cảm xúc của người khác sẽ chi phối bản thân bạn; khiến bạn đánh mất chính mình, trở thành cái bóng của người khác. Bạn sẽ trở nên nhút nhát tự ti, không dám bày tỏ quan điểm, hành động, đánh mất cơ hội trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Ý nghĩa của việc bạn nên tự quyết định hạnh phúc bản thân: Bạn được chủ động kiến tạo cuộc sống cho mình; được sống là chính mình, được sống thật với những cảm xúc, giá trị, tài năng vốn có; khám phá và phát huy được tiềm năng của bản thân, làm những điều mình thích; cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Cuộc sống ngắn ngủi, con người cần chủ động tìm kiếm, hưởng thụ cuộc sống của bản thân sao cho mình thấy hạnh phúc, tràn đầy năng lượng, đó cũng là cách để lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.

Chỉ bản thân mỗi người mới biết được mình cần gì, khi nào mình cảm thấy hạnh phúc nên cần tôn trọng bản thân, hiểu được nhu cầu thực sự của mình thay vì chờ đợi từ bên ngoài.

Khi mỗi người là chủ nhân hạnh phúc của mình, bạn sẽ thấy tự tin, yêu đời, làm được nhiều việc tốt, có ích cho xã hội. Cần phân biệt niềm hạnh phúc chân chính, tích cực với những thú vui vô bổ như nghiện game, ham điện tử,…

Để trở thành chủ nhân của bản thân, mỗi người cần xác định cho mình mục đích, lý tưởng sống cao đẹp; đặt hạnh phúc bản thân trong mối quan hệ với hạnh phúc cộng đồng.

Là chủ nhân của hạnh phúc bản thân nhưng mỗi người cũng cần đặt mình dưới ánh mắt người đời để ta soi vào, nhận diện và hoàn thiện bản thân, khi đó hạnh phúc mới thực sự trọn vẹn.

Câu 2. Cảm nhận nhân vật Mị trong đoạn trích qua đó nhận xét về giá trị nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài.

* Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận

*Phân tích nhân vật Mị trong đoạn trích

- Tóm tắt nhân vật Mị phần trước đoạn trích.

- Hình tượng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ:

+ Thương A Phủ: Khi ngọn lửa sưởi bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ thì Mị chợt xúc động trào dâng vì nhớ lại cảnh mình từng bị trói đứng trước kia, cũng từng khóc như A Phủ -> tình thương, sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ trong cuộc đời.

+ Tình thương chuyển hóa thành hành động: cắt dây cởi trói cho A Phủ mà không thấy sợ -> hành động mạnh mẽ, có ý nghĩa không chỉ với quá trình tâm lí của Mị mà còn với A Phủ vì sau khi được Mị cởi trói, A Phủ đã vùng lên bằng tất cả sức mạnh, chạy trốn khỏi Hồng Ngài, trở thành người tự do.

+ Sau khi A Phủ được cởi trói và thành người tự do, dự cảm của một người có sức sống mãnh liệt, tiềm tàng đã mách bảo Mị cái chết đến với Mị thật là vô lí, và Mị đã vùng chạy theo A Phủ và trốn khỏi Hồng Ngài. Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.

=> Trong đoạn trích, Mị hiện lên là người phụ nữ nhỏ bé, tội nghiệp nhưng giàu cảm xúc, có tình yêu thương con người, có sức sống mãnh liệt tiềm tàng và hành động mạnh mẽ, táo bạo.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài:

- Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, giàu kịch tính giúp nhân vật Mị bộc lộ vẻ đẹp, tính cách: Tình huống A Phủ bị trói đứng và khóc.

- Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế. Nhiều chi tiết được lựa chọn công phu, có khả năng tái hiện sống động suy nghĩ, hành động của nhân vật.

- Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng được lựa chọn kĩ lưỡng, giàu sức gợi hình, gợi cảm. Cách kể chuyện hấp dẫn, nhiều đoạn độc thoại, đối thoại sinh động.

* Nhận xét về giá trị nhân đạo của ngòi bút Tô Hoài:

- Sự cảm thông, chia sẻ thấu hiểu sâu sắc của nhà văn với cảnh ngộ của nhân vật.

- Tố cáo chế độ gia trưởng miền núi hà khắc, bất công, chà đạp lên con người.

- Ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật Mị. Niềm tin mãnh liệt vào sức sống mãnh liệt tiềm tàng của Mị chính là cơ sở, tiền đề để Mị có thể thay đổi số phận, làm chủ cuộc sống của mình.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-tot-nghiep-ngu-van-truong-thanh-sau-ngan-lan-tranh-dau-179240604203915404.htm