Đề xuất cơ chế ưu đãi, phát triển thẻ tín dụng nội địa an toàn
Đại diện một số ngân hàng, chuyên gia tài chính vừa đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa an toàn, hiệu quả.
Lượng phát hành thẻ còn khiêm tốn
Tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức chiều 21/5, ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ VietinBank cho biết: Việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa (TDNĐ) tại Việt Nam chưa khả quan do gặp một số khó khăn.
“Số lượng ngân hàng phát triển thẻ TDNĐ còn rất hạn chế, chỉ 15 tổ chức tín dụng (TCTD) nên việc truyền thông, chương trình khuyến mại chưa được chú trọng. Người dân chưa tiếp cận được sản phẩm cũng như hiểu hết những ưu điểm của thẻ; khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ Tổ chức thẻ quốc tế”, ông Nguyễn Tấn Pháp cho biết.
VietinBank luôn cố gắng tiếp cận khách hàng, tư vấn sản phẩm; triển khai các ưu đãi về lãi suất, phí dịch vụ thẻ; áp dụng chính sách hoàn tiền cho các giao dịch mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử trong nước…; hợp tác với các đối tác lớn như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch… để cung cấp nhiều hơn chương trình khuyến mại, chiết khấu đến khách hàng khi dùng thẻ TDNĐ để thanh toán.
“Mặc dù có nhiều thuận tiện nhưng người dân vẫn còn tâm lý dè chừng do thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thiên về chi tiêu tiền mặt, đặc biệt vùng xa xôi, tỉnh thành; tâm lý sợ tăng gánh nặng tài chính khi có nợ hoặc chi tiêu mất kiểm soát do có thêm tiền trong thẻ tín dụng”, PGS TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Đại Nam) chia sẻ.
Để khuyến khích khách hàng sử dụng cũng như tạo thuận lợi cho ngân hàng phát hành thẻ TDNĐ, ông Nguyễn Tấn Pháp đề xuất: Napas có thêm cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các ngân hàng và tổ chức chuyển mạch. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VietinBank mong được Chính phủ, NHNN và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, hóa đơn định kỳ.
“Chính phủ và NHNN có kế hoạch đẩy mạnh triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ đối với công tác xác thực khách hàng trong cấp tín dụng, phát hành và quản lý thẻ; tạo môi trường đồng bộ đồng thời có cơ chế ưu đãi cho TCTD đối với việc sử dụng các dữ liệu phục vụ chấm điểm khách hàng trong phát hành thẻ trực tuyến, từ đó giúp đảm bảo chất lượng cấp tín dụng”, ông Nguyễn Tấn Pháp kiến nghị.
Kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ TDNĐ của các ngân hàng thương mại (NHTM), PGS TS Đặng Ngọc Đức cho biết: Cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng.
Theo chuyên gia Đặng Ngọc Đức, người dùng mong quản lý việc chi tiêu, cài đặt các hạn mức chi tiêu để không dùng tiền quá mức, tính năng liên kết với các quỹ đầu tư để có thể kiểm soát được nhu cầu đầu tư nhanh chóng.
“Người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hoàn tiền dựa trên các giao dịch chi tiêu, các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc quyền về du lịch như phòng chờ sân bay, khách sạn. Đối với người dùng là khách hàng trẻ, còn mong muốn được thể hiện cá tính riêng bằng việc thiết kế các thẻ độc bản cho mình”, PGS TS Đặng Ngọc Đức kiến nghị.
Công nghệ mới cho phép khách hàng thanh toán thẻ bằng di động
Theo ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Napas, độ phủ thẻ tín dụng của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Thẻ tín dụng nội địa, bản chất các ngân hàng Việt Nam đã phát hành rất lâu nhưng thẻ TDNĐ dùng bộ chip do NHNN ban hành từ năm 2021.
Trong khoảng 3 năm phát triển, tốc độ phát hành thẻ TDNĐ ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên so với dung lượng thị trường còn hết sức khiêm tốn. “Điều kiện phát hành sản phẩm là thuần Việt, các ngân hàng là thành viên của Napas đã phát triển thẻ tín dụng với biểu phí rất đơn giản so với thẻ tín dụng của các tổ chức quốc tế; thủ tục phát hành đơn giản, điều kiện ràng buộc gần như không có”, ông Nguyễn Quang Minh cho biết.
Napas đang triển khai các giải pháp công nghệ mới cho phép khách hàng thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động; số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị di động; biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán…
Về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, theo ông Nguyễn Quang Minh, tình trạng gian lận giả mạo chủ yếu đối với giao dịch là không xuất trình thẻ. Số lượng giao dịch tra soát gian lận giả mạo trong 4 tháng đầu năm đối với giao dịch không xuất trình thẻ (giao dịch thanh toán trực tuyến) chiếm tỷ lệ 95,47%, trong khi đối với giao dịch xuất trình thẻ (giao dịch ATM/POS) chỉ chiếm 4,53%.
Nguyên nhân của chủ yếu của tình trạng này là chủ thẻ bị đối tượng lừa đảo lừa cung cấp các thông tin thanh toán (bao gồm cả thông tin thẻ và OTP). “Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch gian lận giả mạo thẻ nội địa hiện vẫn rất thấp so với tổng lượng giao dịch. Còn phía các ngân hàng vẫn phải xử lý các rủi ro tổn thất cho các giao dịch này mà chưa có quỹ để xử lý”, đại diện Napas chia sẻ.
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhóm giải pháp như: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.
“Hiện, Việt Nam có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Đây là tiềm năng lớn để các TCTD có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng trong xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển nữa”, ông Lê Anh Dũng cho biết.
Về phía các TCTD cần tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ thẻ TDNĐ hiện đại, tiện ích, đảm bảo an toàn, bảo mật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thị trường thẻ tín dụng nội địa; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.