Đề xuất đầu tư sửa chữa đường băng, xây mới nhà ga tại nhiều sân bay

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thành phần 1 Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.

Dự án có thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế 100 năm, với tổng mức đầu tư khoảng 1.750 tỷ đồng. Dự kiến, dự án khởi công vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng quý I/2026, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cảng hàng không trong hiện tại và tương lai, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nâng cao hiệu quả khai thác tại cảng hàng không, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên khu vực, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Về quy mô, nhà ga hành khách T2 sẽ được thiết kế với công suất 3 triệu khách/năm (tương ứng 1.200 hành khách/giờ cao điểm) và có định hướng phương án mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu (sau năm 2030). Nhà ga được thiết kế với quy mô 2 tầng nổi kết hợp tầng lửng với 2 cao trình đi và đến tách biệt.

Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ga là 17.567m2. Đồng thời được kết nối với vị trí sân đỗ máy bay gồm 3 lối đi bằng cầu ống dẫn khách code C và 1 lối đi bằng xe cobus. Nhà ga có 24 quầy làm thủ tục, ký gửi hành lý truyền thống, 2 băng chuyền bốc dỡ hành lý đi và 3 băng chuyền trả hành lý đến.

Cũng trong thời gian này, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh theo đề xuất của ACV, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ: Trong bước triển khai tiếp theo, ACV cần thực hiện trình tự, thủ tục dự án sửa chữa đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng và quy định khác có liên quan.

ACV cũng cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa chữa phù hợp đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật, thuận lợi cho thi công và công tác quản lý, bảo trì sau này nhằm đáp ứng khai thác cho các loại tàu bay code C hiện hành. Quá trình triển khai các thủ tục sửa chữa, ACV cần tiếp tục tăng cường công tác bảo dưỡng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Vinh theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng công trình hàng không và quy trình bảo trì, chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn khai thác và hoạt động vận tải hàng không thông suốt theo quy định, báo cáo Bộ GTVT các khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ có thêm 4 giờ hoạt động mỗi ngày, từ 5h - 23h59.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ có thêm 4 giờ hoạt động mỗi ngày, từ 5h - 23h59.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên đối với các đường cất hạ cánh, đường lăn tại các cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng HKQT Vinh, kịp thời phát hiện các dấu hiệu xuống cấp gây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác sử dụng, chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa kịp thời theo quy định, báo cáo Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam kết quả thực hiện.

Không chỉ hai sân bay nói trên, ACV cũng vừa có đề xuất trình Bộ GTVT cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương - Đà Lạt. Theo ACV, trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2007, sân bay Liên Khương được nâng cấp kéo dài đường băng từ 1480m lên 2354m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C và được cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay đảm bảo khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C.

Giai đoạn 2007-2023 lượng hành khách qua sân bay Liên Khương tăng trung bình 25,6%. Năm 2023 lượng hành khách đạt 2,548 triệu khách Tuy nhiên, đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương có kết cấu bê tông nhựa có tuổi thọ theo thiết kế là 10 năm nhưng đến nay đã khai thác 18 năm với tần suất hạ cất cánh tăng 2,1 lần. Do vậy, đến nay đường băng, đường lăn sân bay Liên Khương đã xuống cấp, cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn khai thác.

Qua nghiên cứu của tư vấn, ACV đề xuất sửa chữa đường băng sân bay Liên Khương hiện hữu và kiến nghị lựa chọn kết cấu mặt đường băng là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để hư hỏng, xuống cấp của đường băng, đường lăn; đảm bảo khai thác dài hạn theo thiết kế 20 năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.045 tỉ đồng từ nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. Thời gian thi công dự kiến khoảng 6 tháng (đóng cửa sân bay vào thời gian thấp điểm về khai thác để thi công).

Cũng liên quan đến sây bay, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa chính thức chấp thuận kéo dài thời gian hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ có thêm 4 giờ hoạt động mỗi ngày, từ 5h - 23h59 (giờ địa phương) thay vì hoạt động từ 6h - 21h mỗi ngày như trước đây. Việc thêm thời gian hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không tăng cường tần suất khai thác, mở thêm các đường bay đi/đến Cần Thơ, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế.

Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh

Từ ngày 27/10/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay thẳng giữa Hà Nội và Phnom Penh với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Các chuyến bay được khai thác bằng máy bay phản lực hiện đại Airbus A321.

Hiện tại, hành khách muốn bay từ Hà Nội đến Phnom Penh cần quá cảnh tại Viêng Chăn (Lào) trên chuyến bay xuyên Đông Dương của hãng.

Đường bay mới này sẽ nâng tổng số đường bay giữa Việt Nam và Campuchia của Vietnam Airlines lên 5 đường bay từ cuối tháng 10, gồm 4 đường bay thẳng: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Phnom Penh; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Siem Reap và 1 đường bay xuyên Đông Dương. Tổng số chuyến bay giữa hai quốc gia sẽ lên tới 86 chuyến bay mỗi tuần.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/de-xuat-dau-tu-sua-chua-duong-bang-xay-moi-nha-ga-tai-nhieu-san-bay-i737406/