Đề xuất được miễn trừ rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường khẳng định: Việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.

Ngày 17/2, thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào trong Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định: Việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.

Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn với quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết đề cập việc không quy trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định. Theo đó, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần giải thích rõ, đúng quy trình, quy định là như thế nào?

 Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu.

Để quy định chặt chẽ hơn, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Điều 6 phải sửa lại là “khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký nhưng không đạt đến kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí”.

Đồng tình quan điểm trên, bên cạnh cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị có thêm quy định miễn trách nhiệm hình sự.

Nhìn nhận những quy định trong dự thảo nghị quyết không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển, song, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.

 Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu.

Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài miễn trách nhiệm dân sự cũng cần nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi nếu không thì người làm khoa học hết sức rủi ro trong nghiên cứu.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, có thể nghiên cứu nội dung trên để đưa vào thực hiện thí điểm Nghị quyết, làm nền tảng trong việc thực hiện ở các luật tiếp theo.

 Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu ý kiến.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu ý kiến.

Cho ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cũng giữ nguyên quan điểm là không quy trách nhiệm dân sự và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung là việc miễn trừ trách nhiệm dân sự phải kèm theo áp dụng đầy đủ các biện pháp áp dụng thử nghiệm, phòng ngừa rủi ro trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, việc xem xét miễn trách nhiệm dân sự chỉ là với các đề tài nghiên cứu khoa học gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Còn gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trong Bộ luật Dân sự đã quy định.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước...

 Các ĐBQH tham dự Phiên họp.

Các ĐBQH tham dự Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH đều đồng thuận với việc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Các ĐBQH cũng tham gia nhiều ý kiến về chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như các quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công lập, quản lý kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm và nhiều năm; khoán chi sản phẩm, quản lý và sử dụng các quỹ và nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ cả từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn lực từ doanh nghiệp và ngoài xã hội... Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện Nghị quyết và đã được ghi chép đầy đủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại Hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, giải trình đầy đủ, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua tại Kỳ họp này.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-duoc-mien-tru-rui-ro-trong-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-post334902.html