Sớm ban hành chương trình hành động để thực thi ngay các quyết sách mới
Cho rằng Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã thành công khi đặt nền tảng pháp lý quan trọng cho công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đề xuất, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành kế hoạch, chương trình hành động để đưa các quyết sách vào cuộc sống.
Bám sát định hướng của Đảng và hoạt động của người dân, doanh nghiệp
- Với góc độ một nhà nghiên cứu chính sách, ông đánh giá thế nào về kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín của Quốc hội?
- Trước hết, có thể thấy Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi chúng ta đang trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy và yêu cầu tăng trưởng cao để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách
Để đạt được các mục tiêu về tinh gọn bộ máy, việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật hết sức quan trọng. Quá trình này càng kéo dài càng có những diễn biến khó lường, gây khó khăn, tốn kém, thậm chí cản trở quá trình cải cách, tinh gọn. Do vậy, tôi đánh giá rất cao khi tại Kỳ họp này, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan liên quan, Quốc hội đã thông qua được một loạt luật, nghị quyết có liên quan trực tiếp đến sắp xếp tinh gọn bộ máy, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho khâu triển khai.
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Đạt được mục tiêu này sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong thời gian tới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước biến động khó lường, song với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị thông qua việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cải cách thể chế, pháp luật cũng như một loạt cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, chúng ta có cơ sở để tin tưởng có thể đạt mục tiêu đề ra.
Một điểm nhấn nữa của Kỳ họp là đã bám sát định hướng lớn của Đảng cũng như hoạt động của người dân, doanh nghiệp khi đã ban hành các nghị quyết liên quan đến hoàn thiện hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược, trong đó có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Thời gian qua, chi phí logistics của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới và khu vực, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là việc vận chuyển bằng hệ thống đường sắt quá lạc hậu. Do đó, việc Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng làm cơ sở cho công tác triển khai dự án sau này sẽ giúp tăng tính kết nối giữa các địa phương, các vùng trong cả nước và với các nước trong khu vực, góp phần kéo giảm chi phí logistics, đưa nền kinh tế tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn tổng thể, có thể thấy Kỳ họp đã thành công khi đặt nền tảng pháp lý quan trọng cho công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ.
Có cơ chế tài chính để giữ chân người tài
- Một trong những nội dung rất được quan tâm tại Kỳ họp này là Quốc hội đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Theo ông, cần làm gì để cụ thể hóa mục tiêu đó?
- Nghị quyết của Quốc hội mang tính định hướng. Ngay sau đây, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tạo xung lực cho quá trình phát triển mới của đất nước.
Tôi cũng rất tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đề ra. Đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Những giải pháp này không mới, song cần được triển khai nhanh chóng, quyết liệt hơn, bởi chúng ta chỉ còn gần 10 tháng nữa. Trong đó, tôi cho rằng cần phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bởi lẽ kinh tế số, kinh tế xanh đang là xu thế tất yếu. Đây là một động lực cho tăng trưởng và là nguồn lực chính đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay và hai con số ở những năm tới.
Điều đáng mừng là tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ giúp nhanh chóng đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đồng nghĩa sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Quan trọng nhất, cần có chính sách cụ thể hóa để các nhà khoa học, các doanh nghiệp khoa học, công nghệ có thể phát huy sự chủ động, sáng tạo, dám dấn thân để thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học, công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp; cũng như phải tạo ra hệ sinh thái kết nối chuyển giao các thành quả khoa học công nghệ vào trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương cùng “cởi trói” cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông qua việc nhanh chóng rà soát tổng thể các quy định hiện hành xem vướng mắc ở đâu, từ đó đề ra cải cách nhanh gọn, hiệu quả.
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ rút gọn đầu mối, giảm thủ tục, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Song, từ mong muốn đến thực tiễn còn nhiều việc phải làm. Theo ông, làm thế nào để công tác này sẽ thực sự phát huy được hiệu quả, đáp ứng mong muốn của người dân, doanh nghiệp?
- Xã hội đang đặt rất nhiều kỳ vọng, niềm tin vào công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hiện nay sẽ “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn được những người thực sự có tài, có năng lực để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nếu không có được những người thực sự tài, đức, tâm huyết trong bộ máy thì dù chúng ta có cải cách thể chế, pháp luật bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Song, giữ chân người tài luôn là việc rất thách thức và sẽ phải chấp nhận có một bộ phận người tài rời khỏi khu vực công. Để người tài ở lại và phát huy được vai trò của họ, cần phải có hệ thống chính sách pháp luật thông thoáng hơn. Bên cạnh việc phải làm đúng pháp luật và dựa trên pháp luật, cần có cách thức đo lường KPI dựa trên hiệu quả, chứ không phải chỉ xoay xem việc làm này có đúng pháp luật hay không.
Cùng với đó, việc thu xếp, bảo đảm các nguồn lực là hết sức quan trọng. Theo đó, phải bảo đảm nguồn thu nhập chính đáng một cách thỏa đáng cho công chức, viên chức, cán bộ quản lý, để họ không muốn tham nhũng. “Có thực mới vực được đạo”, nếu không có nguồn lực đi kèm, trong đó có cơ chế về tài chính thỏa đáng thì sẽ khó giữ chân người tài trong bộ máy.
- Xin cảm ơn ông!