Đề xuất giao địa phương đầu tư xóa 'điểm đen' tai nạn đường sắt
Cục Đường sắt VN đề xuất phân quyền, giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xử lý vị trí tiềm ẩn TNGT trên đường sắt quốc gia.
Cục Đường sắt VN vừa trình Bộ GTVT Đề án “Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đường sắt”. Một điểm đáng chú ý trong Đề án này là đề xuất phân cấp cho các địa phương tổ chức đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo ATGT trên đường sắt quốc gia.
Theo Cục Đường sắt VN, từ năm 2007 đến nay, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng khoảng 86km đường gom dọc đường sắt bằng nguồn vốn NSNN theo mục tiêu quy mô của dự án xây dựng đường gom, bảo đảm ATGT, tránh phát sinh lối đi tự mở (LĐTM).
Tại Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt (Đề án 358), mục tiêu là đến năm 2025 hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các LĐTM trên các tuyến đường sắt.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện 3 hạng mục công trình đảm bảo ATGT đối với mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí dự kiến hơn 2.297 tỷ đồng.
Ba hạng mục này gồm: Lập hồ sơ lập hồ sơ quản lý hành lang ATGT đường sắt và cắm mốc giới hành lang ATGT đường sắt trong khu vực đô thị; Xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt; Xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các LĐTM còn lại. Tuy nhiên nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho các hạng mục này chưa xác định.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao 33 UBND tỉnh/thành phố xây dựng 654,9km đường gom với kinh phí dự kiến 4.634 tỷ đồng để đến năm 2025 hoàn thành xóa bỏ toàn bộ LĐTM.
Cục Đường sắt VN cho hay, việc xây dựng đường ngang, hầm chui kết hợp xây dựng đường gom, xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt là giải pháp kỹ thuật để xóa bỏ LĐTM qua đường sắt.
Mặt khác, theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, trách nhiệm của chính quyền địa phương có đường sắt đi qua là thực hiện quản lý, thu hẹp, xóa bỏ LĐTM qua đường sắt bằng nguồn ngân sách của địa phương hoặc từ ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Cục Đường sắt VN, hiện nguồn vốn ngân sách Trung ương cho đầu tư phát triển KCHT đường sắt giai đoạn 2021-2025 rất hạn hẹp, chỉ tập trung chủ yếu vào cải tạo, nâng cấp, bảo trì công trình đường sắt hiện tại để đảm bảo an toàn chạy tàu. Còn nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho Bộ GTVT đầu tư cho các công trình đảm bảo ATGT chưa được xác định.
“Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ khi đầu tư các hạng mục công trình đảm bảo ATGT đường sắt, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách Trung ương, cần thiết xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua để tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư đối với: Xử lý các vị trí vi phạm HLATGT đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt; Đường ngang, hầm chui.
Sau khi xây dựng xong địa phương bàn giao tài sản đường ngang này cho Bộ GTVT để tổ chức quản lý, bảo trì.”, Cục Đường sắt VN đề xuất.
Cục Đường sắt VN đề xuất: Giao cho UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý, đầu tư các công trình đảm bảo ATGT đường sắt theo Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, quản lý thực hiện đầu tư xử lý các vị trí hành lang ATGT đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt. Dự kiến giao cho 34 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua.
Đầu tư xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ LĐTM. Dự kiến giao cho 33 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua.