Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm 5 năm
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét việc giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 năm).
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ GDĐT đề nghị nghiên cứu, bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non có độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định. Theo Bộ GDĐT, quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Thực tế, do đặc thù, tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc thời gian làm việc muộn.
Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... cần sức khỏe tốt, phản xạ nhanh.
Đối với giáo viên mầm non, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non.
Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Kết quả, có tới 96% người chọn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, chỉ có 4% chọn tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi. Do vậy, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên, nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến. Riêng hiệu trưởng, hiệu phó trường mầm non là viên chức quản lý thực hiện việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục của nhà trường, có tham gia trực tiếp giảng dạy nhưng với thời lượng không nhiều. Do vậy, đề xuất nghỉ hưu sớm 5 năm sẽ không áp dụng đối với cán bộ quản lý trường mầm non.
Như vậy, đây không là vấn đề mới được kiến nghị lần đầu. Tuy nhiên đến nay Luật chưa có thay đổi. Ngành giáo viên mầm non có đặc thù là môi trường làm việc đặc biệt, có thể hưởng chế độ của người làm việc trong môi trường nặng nhọc để được về hưu trước tuổi, nhưng phải giám định y khoa về sức khỏe để đủ điều kiện về hưu trước tuổi. Theo quy định hiện hành, nghỉ hưu trước tuổi sẽ phải trừ mỗi năm 2%.
Cô giáo Nông Thị Liễu - Trường Mầm non Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, ở miền núi, giáo viên đến được trường để dạy học có khi phải đi rất xa, từ tờ mờ sáng mới kịp. Với những lớp đông, trẻ hiếu động, một cô phải phụ trách nhiều cháu sẽ khó đảm bảo an toàn, nhất là những giáo viên tuổi cao, phản xạ không còn nhanh nhẹn. Vì vậy, cô Liễu hoàn toàn đồng tình với đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của Bộ GDĐT.
TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, yêu cầu giáo viên mầm non ở độ tuổi 55-60 vừa nhảy múa, ca hát, đóng kịch… kiêm chăm sóc trẻ là không phù hợp. Tâm lý và thẩm mỹ chung của trẻ cũng thích cô giáo trẻ hơn nên ông cũng ủng hộ việc giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện hành.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình để đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Theo đề xuất của Bộ GDĐT, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sẽ là 57 với nam và 55 với nữ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-xuat-giao-vien-mam-non-nghi-huu-som-5-nam-5717043.html