Đề xuất không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy điều hòa
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng được coi là thiết yếu với đời sống của người dân
Sáng 9-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Việc áp thuế hay không áp thuế đối với các mặt hàng được cho là thiết yếu như máy điều hòa nhiệt độ, xăng được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
Không phải mặt hàng xa xỉ
Theo dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, máy điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 - 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB; không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu tại thảo luận .Ảnh: PHẠM THẮNG
Từ thực tế đời sống, ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh máy điều hòa là mặt hàng phổ biến, dần trở thành thiết yếu trong đời sống của người dân cả ở thành thị và nông thôn. Mặt khác, đây không phải là mặt hàng xa xỉ, nên ông kiến nghị không áp thuế TTĐB với mặt hàng này. Việc áp thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Hơn nữa, việc áp thuế TTĐB với máy điều hòa còn làm tăng chi phí cho các cơ quan, đơn vị, DN.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhìn nhận đánh thuế TTĐB với máy điều hòa (vốn nhằm mục tiêu hạn chế tiêu dùng) thực tế không làm giảm nhu cầu; dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe. Mức thuế hiện tại mang tính chất đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại.
Thêm nữa, quy định hiện hành còn bất cập khi máy điều hòa công suất lớn trên 90.000 BTU lại không chịu thuế, trong khi điều hòa nhỏ cho hộ gia đình lại chịu thuế 10%, dẫn đến thiếu công bằng.
Do đó, ĐB Khải đề xuất bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng máy điều hòa chịu thuế TTĐB, loại bỏ máy điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế. "Nếu vẫn cần điều tiết, chỉ nên áp thuế TTĐB với các hệ thống máy điều hòa công suất cực lớn. Việc bỏ thuế TTĐB cho máy điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân (giảm giá thành, nhất là người thu nhập thấp), đồng thời khuyến khích DN sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường" - ĐB Khải nói.
Với mặt hàng xăng, ĐB Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đề xuất không tiếp tục quy định là mặt hàng chịu thuế TTĐB. Theo ông, đúng với bản chất của thuế này là đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng của xã hội.
"Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Đồng thời, là mặt hàng đã chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan soạn thảo đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là chưa thuyết phục".
Trong trường hợp thấy phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường với xăng, ông Giang đề xuất tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng, chứ không đưa mặt hàng này chịu thuế TTĐB nhằm đúng bản chất.
Triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã có báo cáo gửi đến kỳ họp thứ 9, về kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết đã tăng cường việc phòng ngừa xã hội, tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội để người dân nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Triệt phá các chuyên án tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh đa cấp, giao dịch trái phép tiền ảo, vàng ngoại hối, chứng khoán online và các hành vi phạm pháp liên quan đến dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong kỳ báo cáo (từ tháng 9-2024 đến 4-2025), bộ đã tổ chức rà soát, phối hợp ngăn chặn hơn 17.000 trang mạng, tài khoản mạng xã hội liên quan hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, Bộ Công an tiếp tục chủ động nhận diện sớm, đúng và trúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực nhạy cảm gây bức xúc trong thời gian dài; tăng cường đấu tranh các hành vi lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
7 tháng qua, Bộ Công an phát hiện 512 vụ tham nhũng (1.057 đối tượng); 2.847 vụ vi phạm quản lý kinh tế (4.822 cá nhân, 1 tổ chức); xử lý 45 vụ buôn lậu, 1.411 vụ hàng cấm, 75 vụ hàng giả và 110 vụ trốn thuế.
Bộ Công an cũng quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tội phạm trật tự xã hội, tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, "tín dụng đen", công nghệ cao, mạng xã hội, mua bán người, xâm hại, bạo hành trẻ em. Trong kỳ báo cáo, cho thấy bộ đã triệt phá 28 băng nhóm tội phạm, khởi tố 896 vụ/978 bị can về tín dụng đen; xử lý 542 vụ/628 đối tượng xâm hại 564 trẻ em; bắt, vận động đầu thú gần 2.000 đối tượng truy nã, trong đó có 814 đối tượng nguy hiểm. Các vụ án nghiêm trọng được điều tra khẩn trương.
Bộ Công an đã triển khai hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, tập trung tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia và hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung biên giới. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng. "Từ ngày 15-9-2024 đến 14-4-2025, cả nước đã phát hiện, điều tra 22 vụ/44 đối tượng/lừa bán 50 nạn nhân" - Bộ trưởng Lương Tam Quang cho hay.
Hôm nay, 10-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Thảo luận ở tổ về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật: Doanh nghiệp, Quy hoạch, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.