Đề xuất Luật Thủ đô có một chương riêng về thu hút, trọng dụng nhân tài
'Một môi trường làm việc mà ở đó họ được là chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng, trọng dụng là điều quan trọng hơn cả, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ', đại biểu Quốc hội nói.
Sáng 27/11, Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thu hút, trọng dụng nhân tài cho Thủ đô là vấn đề được các ĐBQH quan tâm, hiến kế.
Theo ĐBQH Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) dự thảo luật thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi, ông đề nghị trao quyền cho HĐND thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể với đối tượng cần thu hút, có sự phân loại rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, "giữ chân" được người tài.
Bên cạnh đó, cần có một số điều kiện đảm bảo khác như: xây dựng môi trường làm việc phù hợp, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho người tài năng cống hiến và thăng tiến.
“Một môi trường mà ở đó họ được là chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng, trọng dụng là điều quan trọng hơn cả, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ", ĐB cho hay.
Người tài không có nghĩa là người thông minh nhất
Cùng mối quan tâm, theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), các nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... rất ít khi dựa vào tài nguyên mà chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo luật quy định chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi, hiệu quả hơn. Ông Hùng dẫn số liệu giai đoạn 2013-2023, Hà Nội chỉ thu hút được 55 thủ khoa các trường đại học, còn TP.HCM - nơi có nhiều chính sách thu hút nhân tài thì chỉ thu hút được 5 nhân tài giai đoạn 2018-2022.
“Không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm nhân tài từ rất sớm, khi họ còn đang là học sinh, sinh viên”, ông Hùng nói.
Theo đại biểu, nếu chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài thì chưa đủ, mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài.
"Người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất, học vị cao nhất mà là người phù hợp nhất với vị trí công việc, đạt được kết quả cao nhất trong nhiệm vụ được giao, có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai", đại biểu đoàn Cần Thơ nhận định.
"Tôi ưa chuộng hiệu quả. Với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm anh ta đã làm việc bao nhiêu năm. Nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó, hãy xếp anh ta ở vị trí đó", nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đại biểu đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi: Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời cần bổ sung cơ chế, chính sách phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề trọng điểm, cần thiết; xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ con người tài để họ yên tâm làm việc…