Đề xuất mới của doanh nghiệp về cơ chế điều hành giá xăng dầu

Việc đề xuất các thương nhân phân phối (TNPP) không được mua bán lẫn nhau và cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn đang tiếp tục gây tranh luận khi mới đây, đại diện khối TNPP đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương đề cập về vấn đề này.

Cần sửa nghị định để xăng dầu có thị trường đúng nghĩa. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần sửa nghị định để xăng dầu có thị trường đúng nghĩa. (Ảnh minh họa: TTXVN)

TNPP lo bị rơi vào vị thế phụ thuộc

Tại văn bản, TNPP cho rằng, việc đề xuất các TNPP không được mua hàng lẫn nhau của Bộ Công Thương đưa TNPP vào vị thế phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối (TNĐM) và việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể, hiện các TNĐM đang có lợi thế tự nhiên khi nhiều năm qua, trên thị trường có 1 doanh nghiệp (DN) chiếm tới 51% thị phần và có đủ các loại hình kinh doanh trong chuỗi cung ứng xăng dầu, gồm nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng. Cùng với đó, có thêm 6 DN lớn cũng là TNĐM và nhóm DN này đang chiếm khoảng 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.

Như vậy, theo cơ chế quản lý nhà nước hiện nay và nếu tiếp tục duy trì các quy định như dự thảo Nghị định thì chưa phù hợp với Luật Cạnh tranh.

Ngoài ra, văn bản của cộng đồng này cũng đề cập đến vấn đề cơ chế điều hành giá xăng dầu. Theo đó, tại dự thảo Nghị định đề xuất trao quyền cho DN tự định giá xăng dầu. Cụ thể, Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. TNĐM tính toán, công bố giá bán xăng dầu, sau đó, TNĐM - TNPP công bố giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân trên thị trường, không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức đã quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Đại diện TNPP cho rằng, quy định đổi mới chưa thực sự thay đổi khi vẫn quy định chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… là một mức cụ thể. Tức là, vẫn theo công thức là Nhà nước định giá, nhưng chỉ khác quy định cũ là DN thay Nhà nước thực hiện phép tính cộng.

Cần quy định xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá

Là nhóm thương nhân chịu sự tác động trực tiếp và lớn nhất của nghị định kinh doanh xăng dầu, cộng đồng TNPP và DN bán lẻ kiến nghị cần có giải pháp để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ, phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Do đó, nhóm này cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp thu một số kiến nghị cụ thể cấp bách như sửa dự thảo theo hướng cho TNPP được mua bán lẫn nhau. Bởi khi đó, các TNPP có lực lượng bổ sung cho nhau, chủ động điều hòa cung - cầu cho phạm vi vùng mình phụ trách, bảo đảm tính linh hoạt và ứng phó kịp thời với tình trạng thiếu hụt xăng dầu, góp phần ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn về đứt gãy nguồn cung cục bộ xảy ra.

Ngoài ra, TNPP thường mua lô hàng lớn để được chiết khấu tốt, điều tiết phân phối ra thị trường bảo đảm chiết khấu mọi thời điểm bán cho đại lý luôn tốt nhất, qua đó không làm tăng chi phí.

Về cơ chế điều hành giá, cộng đồng TNPP cho rằng, cần phải đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng “giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do DN tự quyết định giá”. Tức là, bảo đảm quyền cho DN tự định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường, chứ không phải DN được quyền tự tính giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức giá tối đa) do Nhà nước quy định như dự thảo Nghị định.

Đại diện TNPP phân tích, giao quyền định giá cho DN không có nghĩa là Nhà nước “buông” hay “thả nổi” để DN tự định giá thế nào cũng được mà Nhà nước vẫn phải kiểm soát, điều tiết quyền đó của DN bằng những hình thức thích hợp như quy định, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc tính giá, căn cứ tính giá, phương pháp tính giá để DN có chuẩn mực tính toán theo nguyên tắc thị trường; Đồng thời quy định rõ thẩm quyền quyết định giá, điều chỉnh giá.

Cùng với đó, Nhà nước thực hiện cơ chế hậu kiểm để xem xét, kiểm tra việc tính giá theo các hướng dẫn trên, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường định giá bất hợp lý gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước và người dân. Trong trường hợp thị trường có biến động thì DN phải tuân thủ và thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước quy định.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-xuat-moi-cua-doanh-nghiep-ve-co-che-dieu-hanh-gia-xang-dau-post533673.html