Đề xuất người lao động đóng bù nợ bảo hiểm xã hội: Bất hợp lý!

Nhằm bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đang được trình Quốc hội xem xét đã đề xuất trong trường hợp nếu tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất...

Người lao động có thể lựa chọn đóng phần BHXH bị nợ

Cụ thể, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất để người lao động đóng phần BHXH bị chậm đóng, trốn đóng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: Nguyễn Công.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất để người lao động đóng phần BHXH bị chậm đóng, trốn đóng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh: Nguyễn Công.

Khi người sử dụng lao động nộp số tiền chậm đóng/trốn đóng thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.

Về giải quyết chế độ BHXH, trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng theo thời gian đã được xác nhận.

Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH) để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc hưởng BHXH một lần.

Khi cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH thì xác nhận bổ sung thời gian và điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia. Đồng thời, hoàn trả cho người lao động, thân nhân của người lao động số tiền trước đây đã nộp cho cơ quan BHXH do người lao động đã lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng...

Đề xuất trên đang gây băn khoăn cho không ít người lao động và cả các đại biểu Quốc hội. Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định này. Bởi, nếu người lao động được lựa chọn số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất thì có thể được xem như người lao động phải gánh trách nhiệm và thực hiện quy định này trong điều kiện khó khả thi.

“Thay vì phải giao cho người lao động thì việc này nên giao trách nhiệm cho cơ quan BHXH sẽ hiệu quả hơn và giúp cho người lao động có khả năng thực hiện quyền của mình cũng như thụ hưởng các điều kiện đảm bảo về quyền lợi cho người lao động”, đại biểu nói.

Nhiều băn khoăn...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn tỉnh Bình Dương) nhất trí cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn về quy định người lao động được chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất. Vì, khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì người lao động đã bị mất một khoản tiền lớn, và để được hưởng phải đóng bù vào phần của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng và đóng cả phần của mình đã bị doanh nghiệp trừ lương của họ trước đó để đóng BHXH nhưng không nộp vào quỹ.

“Như vậy, người lao động muốn được hưởng thì phải đóng hơn 40% tiền lương của mình vào. Nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc lớn hơn cho người lao động và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp nợ, cơ quan nhà nước không có giải pháp xử lý lại để người lao động phải bỏ tiền đóng thay”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói.

Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng cần phải dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho các trường hợp này và nguồn quỹ này có thể trích được từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận từ đầu tư của Quỹ BHXH. Đại biểu cũng đề nghị đánh giá tính hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH có thật sự đem lại hiệu quả hay còn hình thức. Vì, nếu hiệu quả tại sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng?

Cần tăng nặng chế tài!

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) đề cập đến khoảng 200.000 người lao động đang trong tình trạng không có bảo hiểm vì tình trạng trốn đóng và đồng ý với chính sách đặc thù, người lao động có thể đóng tiếp để được hưởng chế độ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị làm rõ trong Luật phần đóng này là 22%, hay chỉ 8%, hay như thế nào? Vì nếu như phải đóng thêm 22% là một khoản rất lớn đối với người lao động, cần phải có những chính sách hỗ trợ cho vay hay giảm như thế nào để người lao động có thể tiếp tục đóng các chế độ chính sách BHXH.

Để xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn tỉnh Quảng Nam) đề nghị ngoài việc đóng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng trên số chậm và trốn đóng đó, phải tính mức phạt tương đương với lãi suất quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định với người sử dụng lao động.

“Tình trạng này diễn ra rất phức tạp và gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Do vậy, đề nghị điều chỉnh theo hướng phạt chậm nộp, nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định trên tổng số tiền chậm đóng và trốn đóng”, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị.

Cùng cho rằng cần tăng nặng chế tài với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn tỉnh Hưng Yên) đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động có hành vi này sẽ không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước, không được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, không được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề cho người lao động...

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra với những doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, có thể giao hẳn cho ngành BHXH chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị, kiến nghị ra tòa theo Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên quy định chỉ tiêu bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng hoặc quỹ hoạt động để đảm bảo quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt thì việc chăm lo cho người lao động sẽ càng tốt hơn, còn nếu có rủi ro thì vẫn đảm bảo được nguồn quỹ cho người lao động về bảo hiểm y tế, BHXH, bảo hiểm tai nạn để người lao động không bị mất quyền lợi.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-nguoi-lao-dong-dong-bu-no-bao-hiem-xa-hoi-bat-hop-ly-171662.html