Đề xuất quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ bao gồm những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước...
Theo dự thảo, Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển ngành Nội vụ qua từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê về ngành Nội vụ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ bao gồm những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; hội và tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ nhà nước; lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; việc làm, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; an toàn, vệ sinh lao động; người có công và bình đẳng giới.
Dự thảo nêu rõ, danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này bao gồm 2 nhóm:
1- Nhóm chỉ tiêu thống kê quốc gia giao cho Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân; tỷ lệ cơ quan quản lý nhà nước trung ương có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cơ quan chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ; số cơ sở, số lao động trong các cơ sở hành chính, sự nghiệp.
2- Nhóm chỉ tiêu thống kê ngành nội vụ gồm:
a- Tổ chức hành chính (Số đơn vị hành chính; số tổ chức hành chính trong các cơ quan nhà nước; số lượng thôn, tổ dân phố).
b- Cán bộ, công chức, viên chức (Số đại biểu hội đồng nhân dân; số lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp; số lượng công chức từ cấp tỉnh trở lên; số lượng cán bộ, công chức, cấp xã; thu nhập bình quân một cán bộ, công chức...).
c- Hội, tổ chức phi Chính phủ (Số lượng hội, tổ chức phi chính phủ; số lượng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện).
d- Thi đua-khen thưởng (Số phong trào thi đua; số lượng khen thưởng cấp nhà nước; số lượng khen thưởng cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...).
e- Văn thư, lưu trữ (Số lượng văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ công tác văn thư - lưu trữ; số tổ chức văn thư; số nhân sự làm công tác văn thư; số lượng văn bản, hồ sơ...).
g- Lao động - việc làm (Số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; tỷ lệ người lao động tìm được việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm...).
h- Người có công với cách mạng (Số lượt người được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công; số hộ người có công được hỗ trợ cải thiện nhà ở; kinh phí hỗ trợ hộ người có công cải thiện nhà ở; tổng quỹ đền ơn đáp nghĩa).
i- Bình đẳng giới (Số người làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ; kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới).
Nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.