Đề xuất quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý nội dung dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đề xuất quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu
Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu xây dựng Thông tư nhằm ban hành các quy định mới về tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Hao hụt xăng dầu là sự thiếu hụt xăng dầu về số lượng so với số lượng xăng dầu ban đầu do bay hơi tự nhiên, bám dính, ảnh hưởng của các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật trong quá trình giao nhận, nhập, xuất, tồn chứa, súc rửa bồn bể, phương tiện vận chuyển, pha chế, vận chuyển, chuyển tải, bán lẻ xăng dầu.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đã đề xuất các quy định cụ thể về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn súc rửa; tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong công đoạn pha chế; tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải; tỷ lệ hao hụt xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và từ phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không lên máy bay.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển
Trong đó, tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển đường thủy, đường bộ, đường sắt được đề xuất quy định như sau: Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được xác định bằng hiệu số giữa lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu và lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi nhận xăng dầu.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu xác định tại phương tiện nơi xuất xăng dầu nhưng không lớn hơn tỷ lệ hao hụt tối đa quy định tại điểm (*) sau đây.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt quy định tại khoản 1, 2 Phụ lục 6 Thông tư này. (*)
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được quy định như sau: Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được xác định cho quá trình bơm chuyển xăng dầu từ bể xuất đến bể nhận trên tuyến ống cứng bằng thép, có đường kính trong từ 145 mm trở lên. Hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống là tổng lượng hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống và hao hụt xăng dầu vận chuyển.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu từ bể xuất.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp có hoạt động vận chuyển ít nhất 01 lần trong thời gian 05 ngày quy định tại khoản 3 Phụ lục 6 Thông tư này.
Tỷ lệ hao hụt xăng dầu vận chuyển bằng đường ống trường hợp không có hoạt động vận chuyển trong thời gian lớn hơn 05 ngày được cộng thêm lượng hao hụt tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt xăng dầu tồn chứa trong đường ống được tính bằng phần trăm (%) của lượng xăng dầu hao hụt so với lượng xăng dầu tồn chứa trong đường ống. Tỷ lệ hao hụt tồn chứa trong đường ống quy định tại khoản 4 Phụ lục 6 Thông tư này.
Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu
Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu (Điều 15), Bộ Công Thương cho biết, Bộ đề xuất chỉnh sửa, bổ sung 02 nội dung cho phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quản lý giảm tỷ lệ hao hụt xăng dầu và khuyến khích donh nghiệp nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị nhằm làm giảm hao hụt xăng dầu, cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 15, chỉnh sửa bổ sung nội dung: "Căn cứ váo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể lựa chọn nghiên cứu, xây dựng áp dụng quản lý hao hụt xăng dầu theo khâu (khâu vận tải, khâu qua kho, khâu bán lẻ v.v…), bao gồm một hoặc nhiều công đoạn theo nguyên tắc xây dựng định mức hao hụt của tổng các công đoạn thành phần trong khâu không được vượt quá định mức của tổng các công đoạn tương ứng tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Thương nhân kinh doanh xăng dầu tự chịu trách nhiệm về hao hụt xăng dầu trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu do Thương nhân thực hiện.".
Bổ sung khoản 5 Điều 15: "5. Nghiên cứu đầu tư nâng cấp cải tạo lắp mái phao cho các bồn, bể cũ chưa lắp đặt mái phao; đầu tư trang bị và các thiết bị đo mực chất lỏng tự động trong bồn, bể, kết nối mạng các dữ liệu về tỷ lệ hao hụt với Bộ Công Thương đảm bảo hoạt động chính xác tại mọi điều kiện vận hành của bồn, bể chứa. Các thiết bị đo lường của bồn, bể chứa và của hệ thống thiết bị khác trong kho phải được kiểm định, hiệu chuẩn bởi các tổ chức có năng lực theo quy định của pháp luật; trong trường hợp các văn bản quy pháp pháp luật khác có liên quan quy định phải đầu tư nâng cấp cải tạo lắp mái phao cho các bồn, bể cũ chưa lắp đặt mái phao; đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, đo mức chất lỏng tự động nêu trên thì thực hiện theo quy định đó.".
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.