Đề xuất sửa quy định về hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
NHNN cho biết, căn cứ quy định tại Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 quy định cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (Thông tư số 03).
Qua quá trình tổng kết đánh giá việc thực hiện Thông tư số 03 từ khi ban hành đến nay, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhận được các ý kiến phản ánh, kiến nghị của các tổ chức tài chính vi mô, các đơn vị chủ quản, tổ chức có liên quan về các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và một số đề xuất sửa đổi Thông tư số 03, tập trung vào các vấn đề như khái niệm “khách hàng tài chính vi mô”, “tiết kiệm bắt buộc”, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với nhóm đối tượng khách hàng khác, giới hạn cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô,..
Từ kết quả tổng kết đánh giá việc thực hiện Thông tư số 03, cùng với các chủ trương, định hướng chiến lược của Chính phủ vừa qua, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 03 để khắc phục một số bất cập trên thực tiễn nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển tài chính vi mô ở Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển tài chính toàn diện và hạn chế “tín dụng đen” là hết sức cần thiết.
Sửa đổi, bổ sung chi tiết hơn về đối tượng, mức cho vay đối với từng nhóm khách hàng
Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung khái niệm "cá nhân có thu nhập thấp" vào đối tượng là "khách hàng tài chính vi mô" để các tổ chức tài chính vi mô có cơ sở thực hiện và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khái niệm “khách hàng khác” là cá nhân đã từng là khách hàng tài chính vi mô nhằm đảm bảo nguồn vốn hướng tới phân khúc nhóm khách hàng thấp nhất trong nhóm khách hàng “dưới chuẩn” do các tổ chức tài chính vi mô cung cấp.
Theo đó, nhóm khách hàng này sẽ bao gồm: các cá nhân vẫn đang thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và/hoặc các các nhân này đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn tài chính vi mô để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 32, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với mỗi một khách hàng tài chính vi mô quy định tại điểm a và b khoản 6 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 50 triệu đồng.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với mỗi một khách hàng tài chính vi mô quy định tại điểm c khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Thông tư này không được vượt quá 100 triệu đồng.
Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng chi tiết hơn về mức cho vay đối với từng nhóm khách hàng tài chính vi mô nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay sẽ hiệu quả, hữu ích hơn đối với từng nhóm khách hàng "dưới chuẩn" khác nhau, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.