Đề xuất tăng tỷ lệ mua tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề xuất một điều chỉnh quan trọng đối với cơ chế bù trừ phát thải carbon tại Việt Nam, khi cho phép doanh nghiệp mua tối đa 30% tín chỉ carbon để bù trừ phát thải, gấp ba lần mức giới hạn 10% được dự kiến trước đây.
Đây là một phần trong chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Để mục tiêu Net Zero không chỉ là một khẩu hiệu, cần có sự chuyển động đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, rồi xuống đến xã, phường và người dân.
Sàn giao dịch carbon Việt Nam sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hai loại hàng hóa chính trên sàn giao dịch này là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là giấy phép có thể giao dịch, giúp doanh nghiệp bù đắp lượng khí thải CO2 hoặc các loại khí thải nhà kính khác. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 được giảm phát thải.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp sẽ có quyền trao đổi hạn ngạch hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải.
Điều đặc biệt trong dự thảo lần này là việc tăng mức tín chỉ mà doanh nghiệp có thể mua để bù trừ phát thải lên tới 30% trong giai đoạn đầu, thay vì chỉ 10% như dự thảo trước đó. Dự thảo Nghị định sửa đổi này dự kiến sẽ được ban hành vào cuối tháng 4/2025.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải thích rằng, đề xuất này nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp trong việc giảm phát thải quá mức. Các doanh nghiệp có thể sử dụng tín chỉ từ hoạt động trồng rừng hoặc các biện pháp giảm thải khác để bù vào lượng phát thải của mình.
Ngoài việc xây dựng sàn giao dịch carbon trong nước, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai cơ chế trao đổi carbon quốc tế. Sở dĩ như vậy là do hiện nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường carbon Việt Nam. Những đối tác quốc tế này sẽ đầu tư vào công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia vào các giao dịch carbon.
Đặc biệt, một hệ thống đăng ký và quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon cũng đang được xây dựng để theo dõi và ghi nhận mọi biến động giao dịch trong nước và quốc tế. Hệ thống này sẽ kết nối với các tổ chức toàn cầu như Verra và Gold Standard, đồng thời hỗ trợ các giao dịch tại sàn giao dịch carbon trong nước.
Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon Việt Nam sẽ được thí điểm trong 3 năm (đến 2028), trước khi chính thức đi vào vận hành. Theo đó, các thị trường carbon tại châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đi trước, và Việt Nam sẽ học hỏi từ họ, đồng thời tiến tới kết nối với các sàn giao dịch quốc tế.
Trong khi sàn giao dịch carbon trong nước chưa chính thức hoạt động, một số doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào thị trường carbon tự nguyện.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu sẽ hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để xây dựng và phát hành một sổ tay hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sổ tay này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ chế, quy trình giao dịch tín chỉ carbon và các biện pháp kỹ thuật để giảm phát thải khí nhà kính.
Được biết, hiện Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Cam kết này đã được thể hiện qua chương trình hành động cụ thể, cùng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và đề án. Tuy nhiên, với diễn biến thực tế hiện nay, chúng ta cần những hành động quyết liệt hơn để có thể thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này.
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam được tổ chức vừa qua, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Cục Biến đổi khí hậu đang rà soát và chuẩn bị xây dựng đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cho Việt Nam đến năm 2035. Đây là cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Khi đánh giá lại quá trình thực hiện, ông cho biết Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khó đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, chủ yếu do sự chậm trễ trong việc triển khai các giải pháp như giảm sản lượng điện than và gia tăng công suất điện gió, điện mặt trời.
Dù Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, với các biện pháp đưa ra như tăng gấp đôi công suất điện gió và mặt trời lên 31-38 GW vào năm 2030, nhưng quá trình thực hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất điện của hệ thống điện Việt Nam đạt 84.360 MW, trong đó điện gió và mặt trời chiếm trên 27%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12.000 MW điện mặt trời có thể kết nối vào hệ thống điện quốc gia do hạn chế về hạ tầng truyền tải.
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu Net Zero, Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo, với mục tiêu đạt từ 26.000-38.000 MW cho điện gió và từ 46.400-73.400 MW cho điện mặt trời.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần phải phê duyệt tới 640 dự án điện gió và 1.100 dự án điện mặt trời trong 5,5 năm tới, điều này là một thách thức lớn.
Các chuyên gia cho rằng việc phê duyệt một lượng dự án lớn như vậy là rất khó khăn, nhất là khi nhiều dự án năng lượng tái tạo hiện đang gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam đang có những chính sách thuận lợi và một hệ thống pháp lý mới được ban hành để tạo điều kiện cho chuyển dịch năng lượng.
Chính phủ cũng đã xem xét bổ sung 142 dự án điện mặt trời vướng mắc pháp lý vào Quy hoạch điện VIII, cho thấy nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cơ quan chức năng.
Các chuyên gia kỳ vọng rằng với sự chung tay của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thực hiện được lộ trình giảm phát thải đồng thời với việc tăng trưởng kinh tế.
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong hành trình đạt mục tiêu Net Zero là nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Mặc dù lợi ích từ việc thực hiện cam kết Net Zero rất lớn, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về mục tiêu này và cách thức thực hiện.
Đặc biệt, một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất.
Việc không hiểu rõ về mục tiêu Net Zero, về cách đo lường và kiểm soát phát thải, cũng như các cơ chế tài chính liên quan như thị trường tín chỉ carbon, là một thách thức lớn.
Thực tế, nhiều người dân chưa nhận thức được rằng những hành động như sử dụng bếp than, đốt rác, tiêu thụ điện lãng phí, hay sử dụng xe cá nhân đều góp phần vào lượng phát thải quốc gia.
Theo các chuyên gia, để mục tiêu Net Zero không chỉ là một khẩu hiệu, cần có sự chuyển động đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, rồi xuống đến xã, phường và người dân.
Các địa phương cần quyết tâm cao, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương để thiết lập cơ chế mạnh mẽ, đủ năng lực chuyên môn triển khai các chương trình giảm phát thải.
Việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Net Zero cần được đặt lên hàng đầu. Người dân khó có thể thay đổi hành vi nếu không hiểu rõ mục tiêu này và lý do tại sao cần phải tham gia.
Hiện nay, việc kiểm đếm phát thải ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực lớn, trong khi chưa có một hệ thống đo lường chặt chẽ ở cấp địa phương. Việc xây dựng một bản đồ phát thải sẽ giúp các địa phương có giải pháp cắt giảm, điều phối phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mình.
Việt Nam chỉ còn 25 năm để đạt được mục tiêu Net Zero. Chính vì vậy, việc hành động ngay từ bây giờ là điều cấp thiết để không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào cuộc đua xanh toàn cầu.
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân cần có sự đồng lòng và quyết tâm cao để thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0, mang lại lợi ích cho cả môi trường và nền kinh tế bền vững.