Đề xuất tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân

Đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do một thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.

Mô hình công chứng ở vùng sâu, vùng xa không cần 2 công chứng viên

Sáng 25/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến mô hình tổ chức của văn phòng công chứng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) băn khoăn, dự thảo Luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

Tuy nhiên, thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là phù hợp.

Một mặt, vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Ngoài ra, hiện nay đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể gây lãng phí nguồn lực công chứng viên; khó có nguồn thu để đảm bảo hoặc duy trì hoạt động của văn phòng công chứng.

"Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành, nên chăng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân", ông Thông đề nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cho phép thành lập văn phòng công chứng do một thành viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân.

Bởi theo ông Hòa, mô hình này nhằm khắc phục những bất cập ở địa phương khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa.

Đối với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ hai công chứng viên trở lên.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội).

Còn đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay có 4 mô hình công chứng: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những loại hình được coi là phù hợp với những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi thương hiệu và trách nhiệm nghề nghiệp cá nhân cao.

"Việc dự thảo quy định văn phòng công chứng chỉ được hoạt động dưới mô hình công ty hợp danh có thể dựa trên những đặc điểm trên. Mặc dù công chứng là hoạt động có tính đặc thù nhưng hành nghề công chứng đã được Luật Đầu tư xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định dự thảo Luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, mở rộng quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của các nhà đầu tư", bà Hà nói.

Theo đại biểu, dự thảo Luật nên cho phép mở các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Qua đó tạo điều kiện thành lập các văn phòng công chứng ở những địa bàn còn thiếu hoặc cho phép các cá nhân, pháp nhân góp vốn vào văn phòng công chứng nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho văn phòng công chứng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Thúc đẩy chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo Luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Theo đó, văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang).

Về quy định này, hiện đang có 2 loại ý kiến: Tán thành và không tán thành. Ông Tuấn đồng tình với loại ý kiến thứ hai là nên cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ.

Vì việc cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nhằm bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên.

Theo ông Tuấn, khi văn phòng công chứng có một công chứng viên, có thể xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng… Nhưng không vì thế mà loại bỏ mô hình này.

"Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, nhằm đối phó với quy định của Luật, như văn phòng công chứng trên danh nghĩa có 2 công chứng viên, nhưng thực tế chỉ có 1 công chứng viên hoạt động thường xuyên", ông Tuấn nêu vấn đề.

Quan trọng hơn, theo đại biểu Tuấn, nếu cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao nhưng không thể thiếu.

"Không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư vào ngành nghề công chứng ở những nơi khó khăn. Để người dân không phải đi xa hàng chục, hàng trăm km mới có thể công chứng, và để khuyến khích đầu tư thành lập các văn phòng công chứng ở những nơi khó khăn, cần bổ sung vào dự án Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh", ông Tuấn đề xuất.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-la-doanh-nghiep-tu-nhan-19224062511071102.htm