Đề xuất trình Quốc hội duyệt cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trị giá 13.952 tỷ đồng

Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, dài 56 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, dự kiến vốn Nhà nước tham gia tới 70% tổng mức đầu tư.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.

Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật PPP; đồng thời quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia vào dự án từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030.

Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, Dự án có chiều dài 56 km, quy mô 4 làn xe hoàn thiện, bề rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) là 13.726 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án là 676 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 10.643 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 222 tỷ đồng; chi phi quản lý dự án, tư vấn và chi khác là 1.086 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.099 tỷ đồng.

Dự kiến vốn ngân sách nhà nước tham gia vào Dự án là 9.608 tỷ đồng (chiếm 70%); vốn nhà đầu tư huy động (Chủ sở hữu, vốn vay và vốn khác) là 4.581 tỷ đồng (chiếm 30%).

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, do Dự án đi qua các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong có điều kiện đặc biệt khó khăn và theo dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao nên phương án tài chính của dự án khi áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật PPP (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức PPP, nâng cao tính khả thi của phương án tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn (còn 28,7 năm), với sự tham gia phần vốn nhà nước chiếm 70% tổng mức đầu tư Dự án.

Nội dung này từng được UBND tỉnh Quảng Trị đề cập trong Tờ trình số 18/TTr – UBND gửi Thủ tướng vào cuối tháng 2/2024.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và ý kiến của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Trị đã tiếp thu, giải trình, đồng thời rà soát, cập nhật hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo yêu cầu.

Theo quy định hiện hành, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức, quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng của Bộ GTVT và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, xác định được tầm quan trọng về đột phá chiến lược của tuyến đường này và trách nhiệm của địa phương trong huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã đặt ra quyết tâm cao để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ đầu tư trước năm 2030.

“Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án”, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-trinh-quoc-hoi-duyet-cao-toc-cam-lo---lao-bao-tri-gia-13952-ty-dong-d216225.html