Đề xuất xây dựng chương trình quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp và tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đề xuất cân nhắc xây dựng một chương trình quốc gia để kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi.

Chủ động kiểm soát dịch thay vì “vừa chạy vừa xếp hàng”

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Chăn nuôi và Thú y, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, trước những rủi ro ngày càng gia tăng của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi (ASF), ngành phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định, thông tư đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chú trọng việc cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số phải được triển khai dứt khoát.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn là điểm nghẽn lớn của ngành, dù vaccine phòng bệnh đã được sản xuất với hàng triệu liều, nhưng tỷ lệ tiêm thực tế lại rất thấp. “Vaccine đã có, nhưng tại sao vẫn chưa tiêm được? Có cần thiết xây dựng một chương trình quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi không?”, Thứ trưởng đặt vấn đề và kêu gọi toàn ngành phải “trăn trở" tìm giải pháp dài hạn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tại Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Chăn nuôi và Thú y.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tại Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Chăn nuôi và Thú y.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề cập đến các dịch bệnh khác như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục (phần lớn đã được kiểm soát ổn định). Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại tới 30.000 tỷ đồng trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có chính sách khung tương ứng để kiểm soát hiệu quả.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Thứ trưởng đề nghị các viện, trung tâm nghiên cứu cần chủ động đề xuất các đề tài mang tính liên ngành, có tầm nhìn dài hạn và gắn với chuỗi giá trị ngành. Hoạt động của các hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cần được chấn chỉnh để tránh hình thức, bảo đảm hiệu quả thực tiễn.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý thuốc thú y và vaccine, yêu cầu hoàn thiện thể chế đủ mạnh, có nguồn lực tài chính đảm bảo để ngăn chặn tình trạng thuốc giả, vaccine kém chất lượng. Song song đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất là với các thị trường lớn như Trung Quốc.

Về công tác tổ chức cán bộ, lãnh đạo Bộ yêu cầu huy động hiệu quả nguồn lực từ các chi cục, học viện, trung tâm và địa phương, đặc biệt tại tuyến xã và khu vực biên giới, nơi dịch bệnh dễ tái phát và tình trạng buôn lậu vẫn phức tạp.

“Cục Chăn nuôi và Thú y phải thực sự trở thành lực lượng tiên phong, giữ vững vị thế trong nông nghiệp hiện đại”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2025

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho biết, ngành đã đạt mức tăng trưởng 5,3% trong 6 tháng đầu năm, vượt kịch bản đề ra và tạo nền tảng để hoàn thành mục tiêu cả năm.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 4% cho ngành nông nghiệp và môi trường, trong đó riêng chăn nuôi phải đạt 5,7 - 5,98%. Kết quả 6 tháng là tín hiệu tích cực, đặc biệt khi tăng trưởng quý II đạt 5,55%.

Về sản xuất, đàn lợn cả nước ước đạt 27,23 triệu con (tăng 3,8%), sản lượng thịt lợn hơi tăng gần 6%. Đàn gia cầm tăng 4%, sản lượng trứng vượt 10,5 tỷ quả (tăng 4,3%). Dù đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ, sản lượng thịt vẫn tăng. Sản lượng sữa đạt gần 681 nghìn tấn, tăng 5,8%.

Một trong những yếu tố hỗ trợ là giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Khô đậu tương, cám gạo, DDGS đều hạ nhiệt giúp giá thành thức ăn hỗn hợp giảm 3 - 9%, tạo điều kiện thuận lợi để tái đàn.

Ngoài thị trường, giá lợn hơi phục hồi sớm từ quý I, có thời điểm tại Đồng Nai lên đến 80.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 264 triệu USD, tăng hơn 10%, trong đó có hơn 300.000 con lợn giống và lợn sữa xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và Anh.

Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn trên 300 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn trên 300 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Tuy nhiên, Cục trưởng Thắng cảnh báo, dịch bệnh vẫn là thách thức lớn. Tính đến giữa tháng 7, cả nước còn trên 300 ổ dịch ASF chưa qua 21 ngày. Ngoài ra, các ổ dịch viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng vẫn xuất hiện rải rác. Cục đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo, đồng thời cử nhiều đoàn công tác về địa phương kiểm tra, đôn đốc phòng dịch.

Công tác tổ chức bộ máy cũng ghi dấu mốc quan trọng. Việc hợp nhất Cục Chăn nuôi và Cục Thú y được đánh giá là bước đi lịch sử, giúp tinh gọn đầu mối. Hiện nay, Cục mới có 24 đơn vị trực thuộc gồm 11 phòng, 7 chi cục và 6 trung tâm. Từ 1/7, 7 chi cục vùng và 2 trung tâm chẩn đoán trung ương đã vận hành theo cơ chế mới; 15 tỉnh vẫn còn hệ thống thú y liên xã, 6 tỉnh còn thú y viên cấp xã. Đây là lực lượng nòng cốt giúp phát hiện và ứng phó sớm với dịch bệnh, cần được củng cố và đào tạo chuyên sâu.

Trong 6 tháng cuối năm, Cục xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm hoàn thiện thể chế (sửa đổi Luật Chăn nuôi và Luật Thú y), kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao năng suất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-xay-dung-chuong-trinh-quoc-gia-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-d339291.html