Đề xuất xây dựng luật riêng về thương mại điện tử

Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số quốc gia. Tuy nhiên, quản lý thương mại điện tử mới được duy trì ở văn bản cấp nghị định, trong khi đây là lĩnh vực phức tạp, liên quan nhiều bên, cả trong nước và nước ngoài. Do vậy, theo Bộ Công Thương, việc xây dựng một khung pháp lý cao hơn và ổn định hơn để điều chỉnh là rất cần thiết.

Điểm sáng trên bản đồ thương mại điện tử ASEAN

Thời gian qua, thương mại điện tử ở nước ta đã có bước phát triển bùng nổ, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 20% mỗi năm, quy mô bán lẻ ước đạt 25 tỷ USD vào năm 2024. Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số quốc gia.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Để có được sự phát triển này là do thể chế liên quan được hoàn thiện như việc ban hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thông tin mạng… Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể và quản lý các hoạt động giao dịch, hoạt động liên quan trong thương mại điện tử, trong đó quan trọng nhất là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (Nghị định 52) và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (Nghị định 85) sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 .

Qua triển khai thực tế đã đạt được những kết quả tích cực. Đơn cử, tính từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hơn 263 lớp tập huấn về thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của trên 30.000 học viên; triển khai các giải pháp và chương trình đào tạo về thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến (e-learning). Kết quả xác nhận hoạt động thương mại điện tử của website và ứng dụng thương mại điện tử từ năm 2015 đến nay trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử ghi nhận có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 7.286 tài khoản lên tới 89.548 tài khoản; số lượng tài khoản cá nhân tăng từ 3.398 tài khoản lên tới 28.025 tài khoản vào năm 2024, tương đương số hồ sơ của tổ chức và cá nhân tăng hơn 11 lần trong gần một thập kỷ.

Cùng với đó, số lượng website và ứng dụng di động thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương xác nhận đã tăng từ 3.470 nền tảng vào năm 2014 lên 53.949 nền tảng vào năm 2024, tức tăng khoảng 15,6 lần trong vòng 10 năm. Đáng chú ý, số lượng website và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (như các sàn giao dịch, nền tảng trung gian) đã tăng từ 39 lên 1.048 nền tảng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 26,9 lần trong cùng giai đoạn.

“Những con số này là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, phản ánh sự quan tâm và đầu tư không ngừng của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự tham gia ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp quốc tế. Sự tăng trưởng này còn cho thấy vai trò quan trọng của thương mại điện tử trong việc thúc đẩy hiện đại hóa thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, nó cũng khẳng định sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, khi liên tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn công nghệ, và các thương hiệu nổi tiếng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á”, Bộ Công Thương đánh giá.

Cần khung pháp lý ổn định, lâu dài

Dù vậy, việc thực thi pháp luật về thương mại điện tử vẫn còn những khó khăn, khi chưa có khái niệm đồng bộ và thống nhất về nền tảng số trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo Bộ Công Thương, mặc dù Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực, nhiều khái niệm mới như "nền tảng số" và "nền tảng số trung gian" đã được đề cập và bước đầu định hình, song khái niệm “nền tảng số” trong các văn bản luật hiện nay chủ yếu được định nghĩa chung chung, chưa có quy định làm rõ những nền tảng chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử dẫn đến khó khăn khi áp dụng vào các mô hình kinh doanh đặc thù trên không gian mạng. Mặt khác, ranh giới giữa “nền tảng số”, "nền tảng số trung gian" và các "nền tảng số kinh doanh trực tiếp" vẫn chưa được phân định rõ ràng, tạo khoảng trống pháp lý và khó khăn trong quản lý.

Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mô hình đặc thù cũng gặp thách thức. Đơn cử, với thương mại điện tử xuyên biên giới, các quy định hiện hành chưa bao quát được đầy đủ. Dù Nghị định 52 và Nghị định 85 đã bao quát được các quy định về thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, nhưng lại chưa có quy định chế tài ràng buộc đủ mạnh đối với các nền tảng xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam; chưa có quy định phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới...

Từ thực tế đó, để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển nhanh, vượt bậc của thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng một bộ luật chuyên ngành thương mại điện tử là “yêu cầu cấp thiết”, bởi thương mại điện tử là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều bên, cả trong nước lẫn nước ngoài nên cần phải có một khung pháp lý ổn định, lâu dài để điều chỉnh.

Theo dự thảo luật chuyên ngành thương mại điện tử đang được lấy ý kiến, ngoài những nội dung đưa từ nghị định lên, Bộ Công Thương đề xuất một số nhóm chính sách, gồm: hoàn thiện quy định và thống nhất các khái niệm về nền tảng số, nền tảng số trung gian trong thương mại điện tử; quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan; trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại; quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử hướng đến các mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế số theo hướng xanh và bền vững.

“Việc ban hành một luật chuyên ngành thương mại điện tử chuyên biệt sẽ không chỉ để giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn định hình tương lai của lĩnh vực này, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp”, Bộ Công Thương cho biết.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-xay-dung-luat-rieng-ve-thuong-mai-dien-tu-post402880.html