Đem tình yêu văn hóa dân tộc đến với trường học

BHG - Những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc luôn quan tâm, tích cực đưa văn hóa dân tộc (VHDT) vào sinh hoạt và giảng dạy; tạo ra những sân chơi bổ ích, góp phần giúp các em hiểu và nuôi dưỡng tình yêu dành cho văn hóa truyền thống (VHTT) của dân tộc mình. Nhiều câu lạc bộ (CLB) như: Khèn Mông, hát Phươn, trò chơi dân gian, hát giao duyên... được thành lập và thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Việc tạo ra môi trường giáo dục giúp các em học sinh hiểu, dành tình yêu cho VHDT luôn được ngành Giáo dục huyện Mèo Vạc đặc biệt chú trọng và chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ngoài đẩy mạnh kết hợp cùng nghệ nhân dân gian giảng dạy VHTT cho học sinh; thành lập CLB về VHTT cho các em tham gia sinh hoạt; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về VHDT... Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn xây dựng nhà truyền thống trưng bày các sản phẩm dân tộc (nhạc cụ truyền thống, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất...) của địa phương để các em được tiếp xúc thường xuyên với không gian VHDT. Thông qua cách làm này, học sinh hình thành được ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và gìn giữ VHDT.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) tập múa khèn.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) tập múa khèn.

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn có trên 95% học sinh là người dân tộc Mông. Khi đưa VHDT vào sinh hoạt và giảng dạy, nhà trường xác định bước đầu cần giúp các em nhận biết và thực hiện được một số nét VHTT của dân tộc Mông. Theo đó, nhà trường đã kết hợp cùng với các nghệ nhân dạy hát dân ca dân tộc Mông, múa khèn Mông, thổi khèn Mông, thổi sáo Mông cho học sinh; định hướng nghề nghiệp cho các em gìn giữ và phát triển nghề truyền thống tại địa phương trong đó chú trọng đến nghề đan lát của người Mông. Các hoạt động về múa hát được nhà trường duy trì sinh hoạt hàng tuần, tạo cho học sinh thói quen tập luyện cũng như hoàn thiện kỹ năng để có thể tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật do trường, xã, huyện tổ chức.

Em Thào Mí Thái, học sinh lớp 9A3, Trường PTDTBT THCS Cán Chu Phìn chia sẻ: Học về VHDT em thấy rất vui, hào hứng. Thông qua những buổi học, sinh hoạt giúp em hiểu rõ hơn về VHDT mình, nét đẹp trong từng làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc. Qua đây, em đã ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong tương lai.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Cán Chu Phìn học đan lát.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Cán Chu Phìn học đan lát.

Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Cán Chu Phìn, Ngô Thị Lan cho biết: Thông qua việc đưa VHDT vào trường học, hiện nay học sinh trong trường đã hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt về VHDT đã giúp cho học sinh nhận thức đúng về trang phục dân tộc Mông, không còn tình trạng mặc “quần trong váy Mông” hay mua trang phục sai với trang phục truyền thống. Trong thời gian tới, nhà trường tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa, tích hợp lồng ghép VHTT trong các môn học như Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn... Tiếp tục duy trì sinh hoạt các CLB, phòng trưng bày VHTT để tạo cho các em môi trường nuôi dưỡng tình yêu dành cho VHDT mình.

Huyện Mèo Vạc có 17 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét đẹp đặc sắc văn hóa riêng cần được bảo tồn và gìn giữ. Việc đưa VHDT vào trường học sẽ tiếp tục bồi đắp cho các em học sinh thêm nhiều kiến thức văn hóa, văn nghệ, thể thao. Thông qua đây, không chỉ giúp giới trẻ hiểu hơn về VHDT mà ngày một trân trọng, giữ gìn và lan tỏa

Bài, ảnh: Hồng Nhung

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/giao-duc/202406/dem-tinh-yeu-van-hoa-dan-toc-den-voi-truong-hoc-2a21e59/