Đền Diên Cờ: Dung hội nhiều hệ tư tưởng với tín ngưỡng bản địa (Kỳ II)

Phù sa văn hóa đượm dần, đượm dần bồi đắp nên đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chiêm bái đền, lữ khách không khỏi bần thần trước vẻ đẹp ban sơ vẫn còn vẹn nguyên ở chốn di tích.

Đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ với cộng đồng, dân tộc. Âm thầm lòng hướng thiện của dân cư, dấu xưa nền cũ còn, thì đền còn. Với những nét độc đáo và riêng biệt, đền luôn hòa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa chung của xứ Nghệ và dân tộc. Nơi trời - đất và con người hội tụ để giữ mạch nguồn kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai.

Thờ Tam tòa Thánh Mẫu và các vị thần trong đạo mẫu

Không chỉ thờ Cao Sơn, Cao Các, nơi đây còn thờ Đức Thánh Trần, Tam tòa Thánh Mẫu và các vị thần trong đạo Mẫu.

Theo tài liệu về đền Diên Cờ và hồ Bạch Tượng của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đối với vương triều nhà Trần nói riêng và các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng thiên tài, một vị anh hùng dân tộc. Còn trong tâm thức của người dân, ông đã trở thành một vị thánh.

Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một vị tướng tài trên chiến trường. Nghệ thuật quân sự tài tình của ông đã được thể hiện trong cuốn “binh thư yếu lược”, giúp hậu thế vận dụng để đánh giặc ở những thế kỷ sau. Ngoài ra, ông còn là một nhà ngoại giao tài năng, giúp xóa bỏ mọi hiềm khích, ân oán giữa các anh em trong Hoàng tộc, tạo nên sức mạnh để cùng nhau đánh đuổi kẻ thù.

Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu và các vị thần trong đạo Mẫu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu và các vị thần trong đạo Mẫu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mẫu Liễu Hạnh: Theo sách “Thần nữ và Liệt nữ Việt Nam” của tác giả Mai Ngọc Chúc biên soạn, Mẫu Liễu Hạnh đã được chép thành sách, đầy đủ và sớm hơn cả là tập Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748).

Theo đó, Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng, do phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian. Nàng thác vào một gia đình nghèo ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), được cha mẹ đặt tên là Giáng Tiên.

Nàng lớn lên nhan sắc xinh đẹp, lại đủ tài văn thơ đàn nhạc. Đến tuổi lấy chồng, nàng được cha mẹ gả cho Đào Lang.

Năm lên 21 tuổi, vào ngày mùng 3 tháng 3, năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái triều vua Lê Thế Tông (theo sách: Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, tác giả Ninh Viết Giao, trang 109) Giáng Tiên đột ngột qua đời. Thực ra, Giáng Tiên không chết mà đã hết hạn xuống hạ giới phải về trời.

Sau đó, vì lưu luyến trần gian, công chúa đã xin với Ngọc Hoàng được xuống trần gian thêm nhiều lần nữa với tên gọi Liễu Hạnh để giúp đỡ những người dân khổ cực và trừng trị kẻ gian ác, Liễu Hạnh còn hiển linh giúp nhà vua đánh giặc nên còn được gia tặng là Chế Thắng Hòa Diệu đại vương.

Mẫu Thượng Ngàn: Mẫu Thượng Ngàn còn gọi là Mẫu Đệ Nhị hay Lâm cung Thánh Mẫu. Bà là một vị Thánh đã được dân gian xây dựng nên bằng truyền thuyết với lí lịch rất cụ thể.

Theo truyền thuyết dân gian, Mẫu Thượng Ngàn có công giúp vua đánh giặc. Đó là vào thế kỷ thứ XV, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mới được nhen nhóm, lực lượng còn yếu, Lê Lợi đem quân về đóng đồn ở sách Phản Ấn.

Chúa Thượng Ngàn đã báo mộng là phải rút lui ngay vì ở đó địa hình rất bất lợi. Lê Lợi đang dùng dằng chưa quyết định thì quả nhiên quân Minh đến.

Chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành một bó đuốc soi đường, dẫn vua tôi đến đất Mường Yên một cách an toàn.

Mẫu Thoải: Mẫu Thoải là vị thần trị vì vùng sông nước.

Mẫu cũng được mang một lý lịch trần gian, nhân hóa theo 2 truyền thuyết (Thần nữ và liệt nữ Việt Nam, Mai Ngọc Chúc, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, t.92-t.93).

Truyền thuyết ở vùng Thái Bình và Nghệ Tĩnh: Thuở trời đất mới mở mang, vua Kinh Dương Vương thường đi chu du khắp nơi. Một ngày, tới vùng kia, Vua gặp được người con gái nhan sắc tuyệt trần và cưới làm vợ.

Bà chính là mẹ của Lạc Long Quân sau này. Bà vốn là con gái của Long Vương ở Động Đình Hồ nên được giao nhiệm vụ cai quản tất cả các sông, biển, ao, hồ. Vì vậy bà được gọi là Mẫu Thoải.

Với những nét độc đáo và riêng biệt, đền luôn hòa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa chung của xứ Nghệ và dân tộc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Với những nét độc đáo và riêng biệt, đền luôn hòa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa chung của xứ Nghệ và dân tộc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Truyền thuyết ở Tuyên Quang lại kể rằng: Kinh Xuyên là một hoàng tử con vua đất, lấy vợ là con gái Long Vương ở Động Đình Hồ (Trung Quốc). Bà rất yêu chồng, nhưng Kinh Xuyên lại lấy vợ hai là Thảo Mai, hay có tính ghen ghét. Thảo Mai vu cáo bà nên bà bị chồng nhốt vào rừng sâu. Thú dữ không làm hại mà còn mang hoa quả đến nuôi bà. Một hôm, có người Nho sĩ đi ngang qua khu rừng và gặp bà, bà đã nhờ nho sĩ chuyển lá thư cho cha là Lang Vương, nhờ thế mà bà được cứu thoát. Nhà vua gả bà cho vị Nho sĩ ấy nhưng người này từ chối. Sau khi bà mất người đời tôn bà làm Mẫu Thoải.

Theo truyền thuyết, Mẫu Thoải cũng đã nhiều lần hiển linh giúp vua như “Đời Lê Vĩnh Thọ, có lần thủy quái gây loạn, dâng cao nước sông Nhị, đã tràn vào Yên Phụ, sau phải cầu đến các Mẫu Thoải mới khỏi được nạn lụt”.

Đời vua Lê Thánh Tông, khi vua đi đánh giặc ở Phương Nam và gặp nạn tại vùng Phú Xuyên, Kim Bảng, nhà vua đã cầu khẩn thần linh, Mẫu Thoải đã cử tướng đến dẹp yên gió để vua tôi đi qua một cách an toàn.

Cùng với đó, đền còn thờ Ngũ vị quan lớn. Đây là các vị thần trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam, gồm 5 vị: Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Đệ Tứ, Quan Đệ Ngũ.

Ngoài ra, tại đền còn thờ các ông Hoàng. Tam hoàng tử là ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười, gốc tích là con trai của Long thần Bát hải Đại vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo truyền thuyết dân gian các ông thường được hóa thân vào những nhân vật nhân gian là những danh tướng có công dẹp loạn cứu nước, những người khai sáng, mở mang đất nước.

Cương Quốc Công Nguyễn Xí: Tộc phả họ Nguyễn Đình (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) do Hội đồng Gia tộc tái bản năm 1993 có chép: “Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Lớn lên ông theo Thái tổ Cao Hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn, cùng người anh tên là Nguyễn Biện vượt núi băng sông, mũ rơm tên đá, lập nên công to đại định”.

Sau khi phục dựng lại đền Diên Cờ vào năm 2012, nhân dân địa phương đã rước long ngai, bài vị của Nguyễn Xí về phối thờ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Sau khi phục dựng lại đền Diên Cờ vào năm 2012, nhân dân địa phương đã rước long ngai, bài vị của Nguyễn Xí về phối thờ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Dưới cờ nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ soái, danh tướng Nguyễn Xí (1397 - 1465) là một trong 40 công thần khai quốc. Ông từng 10 năm nếm mật nằm gai, cùng anh trai là tướng Nguyễn Biện (1394 - 1423), đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, giải phóng đất nước thoát khỏi 20 năm dưới ách đô hộ bạo tàn của chúng.

Tư tưởng “trung quân ái quốc”, trong 33 năm giai đoạn đầu của triều Hậu Lê, ông là trụ cột nhiếp chính 4 đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông.

Ông mất giờ Thân ngày 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465) tại Thăng Long, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông buồn than: "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi". Vua bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, 100 quan tiền, và sai quan hữu ty lo liệu mọi việc, nhà vua còn tặng ông danh hiệu Thái sư Cương Quốc Công đặc ân khai quốc.

Từ xưa đến nay người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông.

“... Xét Nguyễn Xí khí độ trầm hùng, tính người cương đại, giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên Khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập, ra vào hết chức phận tướng văn, tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con, giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều trưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh” - Vua Lê Thánh Tông nói về Tướng quốc Nguyễn Xí.

Ngoài ra, tại đền còn thờ Nguyễn Thức Vạn.

Nguyễn Thức Vạn hiệu Sỹ Kiều (có tài liệu chép là Sỹ Triều), là ông tổ của dòng họ Nguyễn Thức ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Ông sinh vào thời Lê Trung Hưng, được cha mẹ cho theo nghiệp bút nghiên từ thủa nhỏ. Gia phả họ Nguyễn Thức ở Nghi Trường chép: “Cụ Sỹ Kiều - Nguyễn Thức Vạn, làm quan đến chức Tổng trưởng Văn (?). Bấy giờ tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con trai nối dõi tông đường. Nghe theo thầy bói, Sỹ Kiều đã dành nhiều công sức, tiền gạo làm nhiều việc thiện”.

Chính ông là người đầu tiên khởi xướng việc trùng tu, tu sửa đền Diên Cờ khi thấy đền bị xuống cấp. Những việc ông làm đã được báo đáp, ông bà sinh được một người con trai là Nguyễn Thức Khâm. Sau này, ông Khâm cũng đậu Hương cống và làm quan đến chức Tri phủ. Sau khi mất, ông bà được dân làng rước long ngai, bài vị về phối thờ tại đền.

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/den-dien-co-dung-hoi-nhieu-he-tu-tuong-voi-tin-nguong-ban-dia-ky-ii-a26674.html