Đến Huế, thưởng trà Hoàng mai ngày Tết

Trong không khí những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, một tách trà Hoàng mai như một lời thì thầm kể về câu chuyện một loài hoa đặc trưng của vùng đất cố đô. Với hương vị độc đáo, hòa quyện với tiết trời mùa Xuân êm dịu, sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đầy thi vị.

Trà Hoàng mai là báu vật của xứ Huế, được làm từ giống Hoàng mai bản địa - loài hoa tượng trưng cho mùa xuân cố đô Huế. Ảnh: H.T.

Trà Hoàng mai là báu vật của xứ Huế, được làm từ giống Hoàng mai bản địa - loài hoa tượng trưng cho mùa xuân cố đô Huế. Ảnh: H.T.

Trong không gian trầm mặc của Hiên trà Nhị Độ Mai, tách trà Hoàng mai trở thành điểm nhấn cho trải nghiệm tinh tế và trọn vẹn. Hương vị trà như ôm lấy người thưởng thức, mang theo sự ấm áp và sâu lắng của mùa xuân.

Nhấp một ngụm trà, hương hoa mai ngọt đậm lan tỏa hòa quyện vào trong tách trà tựa như mật ong rừng xuân, vừa nồng nàn và mượt mà như rượu nếp ủ lâu năm. Mùi hương ấy không chỉ thoảng qua mà đọng lại sâu thẳm. Trong hương vị đặc biệt ấy, người ta còn cảm nhận được sự phảng phất của hoa Nhài, hoa Lan, hoa Mộc quế, đan xen chút ngọt ngào của vani, sữa, phấn hoa, hòa quyện cùng sắc thái của quả chín, đào rừng và lá tươi.

Trà Hoàng mai được chế biến công phu từ hoa mai, một loài hoa đặc trưng chỉ riêng Huế, loại trà này đã tôn vinh giá trị văn hóa trà trong lòng kinh đô ẩm thực Việt Nam.

Anh Trần Quốc Nhật (đến từ TP Đà Nẵng) cho biết, ngồi bên trong một không gian thanh tịnh, thưởng thức một ly trà Hoàng mai giữa tiết trời mùa xuân dịu nhẹ, mang lại cho thực khách một trải nghiệm đầy thi vị và đáng nhớ khi đến Huế mỗi độ Tết đến Xuân về.

Tinh hoa ẩm thực cố đô

Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị chia sẻ, niềm hạnh phúc khi có cơ hội đưa trà Hoàng mai trở thành biểu tượng văn hóa và sản phẩm thương mại tiêu biểu, góp phần kiến tạo tinh hoa ẩm thực cố đô.

Để tạo nên hương vị trà Hoàng mai Huế thơm ngon, người nghệ nhân đã trải qua nhiều công đoạn và thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ. Ảnh: H.T.

Để tạo nên hương vị trà Hoàng mai Huế thơm ngon, người nghệ nhân đã trải qua nhiều công đoạn và thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ. Ảnh: H.T.

Theo nghệ nhân Thanh Nhị, trà Hoàng mai là báu vật của xứ Huế, được làm từ giống Hoàng mai bản địa - loài hoa tượng trưng cho mùa xuân cố đô Huế. Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người nghệ nhân, trà không chỉ giữ lại hương sắc đặc trưng của hoa Mai mà còn mang theo cả phong vị truyền thống, kết nối quá khứ với hiện tại. Đây không chỉ là một thức uống độc đáo với hương vị đặc trưng mà còn kể lại câu chuyện sâu sắc về văn hóa Huế.

“Vì thế, trà Hoàng mai không chỉ là thức uống đơn thuần, mà còn là phương tiện để kết nối quá khứ với hiện tại, góp phần nuôi dưỡng Chân, Thiện, Mỹ, bảo tồn những giá trị văn hóa cổ xưa và phát triển nó trong bối cảnh đương đại”, Nghệ nhân trà Thanh Nhị bày tỏ.

Để tạo nên hương vị trà Hoàng mai Huế, người nghệ nhân đã trải qua nhiều công đoạn và thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu, thu hái, vào hương hoa cho trà, ủ hương, thông hương cho đến tách nguyên liệu, sấy, ủ, kiểm tra… Mỗi bước đều có vai trò riêng, nếu không cẩn thận một khâu thì không thể tạo sản phẩm hoàn hảo.

Theo nghệ nhân Thanh Nhị, trong quá trình làm trà Hoàng mai, khó khăn nhất nằm ở khâu cân bằng giữa khí chất mạnh mẽ của nền trà shan tuyết cổ thụ và hương thơm thanh khiết, dịu nhẹ của hoa Mai. Để trà “ngậm hương”, hương hoa bám vào nền trà rất khó. Quy trình này đòi hỏi các tác giả phải nghiên cứu rất lâu, trải qua nhiều năm và tốn rất nhiều nguyên liệu.

Nghệ nhân trà Thanh Nhị chia sẻ, có rất nhiều điểm khác biệt của trà Hoàng mai so với các dòng trà hoa khác. Đầu tiên là về nguyên liệu, sử dụng nền trà được tuyển lựa trên những cây trà trên 500-600 năm tuổi hoàn toàn hoang dã và giống hoa Hoàng mai bản địa Huế.

Đến Huế vào những ngày Tết Nguyên đán, bên tách trà Hoàng mai nghe câu chuyện văn hóa sẽ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị. Ảnh: H.T.

Đến Huế vào những ngày Tết Nguyên đán, bên tách trà Hoàng mai nghe câu chuyện văn hóa sẽ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị. Ảnh: H.T.

Tiếp đến, trà được làm thủ công theo phương pháp luyện hương. Sau đó, về mùi vị rất đặc trưng khác biệt. Về độ bền hương, trà có thể uống được trên 10 lần pha vẫn bền hương và vị. Cuối cùng, trà Hoàng mai thuộc dòng trà Lễ, được dùng trong những dịp quan trọng như tế Trời - Đất; cúng giao thừa, năm mới, cúng nhà mới, mừng sinh con, tiếp đãi khách quý…

Trà Hoàng mai không chỉ lưu giữ hương thơm đặc trưng mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với sự kết hợp giữa trà shan tuyết và hoa Mai, sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa, làm đẹp da, tóc, và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, huyết áp.

Theo kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. Nhiều người hiểu câu này quan trọng nhất là nước tinh khiết, tiếp đó là trà ngon, thứ ba là cách pha, thứ tư là dụng cụ pha trà chuẩn và cuối cùng là người cùng thưởng trà.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân Nghệ nhân trà Thanh Nhị, để có thể pha và thưởng trà ngon, cần tất cả những yếu tố trên hòa quyện, vì thiếu một trong số đó thì khó có một chén trà như ý. Đặc biệt, cần lưu ý tâm thái, cảm xúc, năng lượng của người pha, người thưởng trà cũng rất quan trọng để có một chén trà hoàn hảo.

Với hương vị đặc trưng và câu chuyện văn hóa sâu sắc, trà Hoàng mai không chỉ là sản phẩm thưởng thức mà còn là biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Nghệ nhân Thanh Nhị hy vọng rằng, sản phẩm này sẽ góp phần khẳng định vị thế của Huế trong bản đồ ẩm thực Việt Nam và lan tỏa giá trị văn hóa cố đô đến mọi miền đất nước.

Thưởng trà hoa Mai là một trong những loại hình nghệ thuật trà cao sang, tinh tế của người Việt. Trà hoa Mai khi được thưởng thức trong dịp Tết không chỉ là thức uống đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa cầu mong sự may mắn, sung túc, mãn viên và thịnh vượng.

Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/den-hue-thuong-tra-hoang-mai-ngay-tet-10299149.html