Đền Voi phục- một trong tứ trấn Thăng Long được công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục là điểm du lịch với tên gọi chính thức là 'Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục'.

Đồng thời với quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục, UBND thành phố Hà Nội cũng quyết định công nhận điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, là điểm du lịch với tên gọi là "Điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch"; công nhận điểm du lịch Kim Lan, xã Kim Lan, Gia Lâm với tên gọi chính thức là "Điểm du lịch Kim Lan".

UBND quận Ba Đình và huyện Gia Lâm có trách nhiệm thực hiện quản lý, khai thác, phát triển các điểm du lịch trên theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.

Các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Ba Đình, UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng các điểm du lịch trên theo đúng quy định pháp luật và thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.

Đền Voi Phục (Tây trấn từ) là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa, gồm bốn ngôi thờ bảo lan. Đền tọa lạc tại số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, cạnh công viên Thủ Lệ, gần trường Đội Lê Duẩn và đối diện Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ. Thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thái Tông, và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, và đã hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu vào năm 1076.

Sau khi mất, được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, và nhà Lê trong cuộc phục hưng. Vì trước cửa đền có đắp hai con voi quỳ gối nên quen gọi là đền Voi Phục và vì đền ở phía tây kinh thành nên còn gọi là trấn Tây hoặc trấn Đoài (Đoài, theo bát quái thuộc phương Tây).

Lễ hội của đền là hoạt động sinh hoạt văn hóa thường niên, mang tính chất mở với sự tham gia của khách thập phương. Lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra ngày 9 - 10 tháng 2 Âm lịch (từng năm có thể kéo dài 3 - 10 ngày tùy theo đóng góp của dân), đáng kể nhất là việc rước kiệu và một vài tục lệ khác.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/den-voi-phuc-mot-trong-tu-tran-thang-long-duoc-cong-nhan-la-diem-du-lich-cua-thanh-pho-ha-noi-post585348.antd