Đèo Cả cần mở rộng đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực GTVT
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Trung tâm Quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân (Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả)
Chiều 4/3, tại TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc tại Trung tâm Quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân (Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả).
Công trình hầm đường bộ Hải Vân gồm hầm Hải Vân 1 và hầm Hải Vân 2, nằm trên tuyến QL1 nối TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hầm Hải Vân 1 được đầu tư xây dựng từ tháng 8/2000 - 6/2005 với chiều dài 6.280 m. Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA và kỹ thuật xây dựng hầm. Hầm Hải Vân 2 có chiều dài 6.292 m do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, nhà thầu và kỹ thuật xây dựng, với tổng mức đầu tư 7.296 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 thực hiệnnâng cấp, sửa chữa các thiết bị trong hầm Hải Vân 1 được thực hiện từ tháng 4/2016 - 8/2017 (16 tháng). Giai đoạn 2 đầu tư mở rộng hầm Hải Vân 2 dài 6.292 m và xây dựng mới cầu đường dẫn dài 5.848 m. Công trình được xây dựng từ tháng 12/2016 - 9/2020 (45 tháng).
Báo cáo về công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, hầm Hải Vân có những hệ thống chính như: Hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống PDMC SCADA; hệ thống giao thông thông minh ITS (gồm nhiều hệ thống con như: CCTV/AID, VMS và tín hiệu tĩnh, đóng cửa hầm, phát sóng di động, HT UHF+FM+loa phóng thanh, phát hiện xe quá khổ, hệ thống thông tin, hệ thống phần mềm ITS, Master SCADA); hệ thống cấp nước chữa cháy, xử lý nước thải, cảnh báo cháy, thiết bị an toàn, cửa thép.
Các bộ phận trực vận hành chính gồm: Đội Điện - thông gió, đội ITS, đội cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy, đội Bảo vệ, đội Bảo dưỡng thiết bị, hạt Quản lý đường bộ.
Trung tâm điều hành hầm hoạt động 24/24h, chia làm "3 ca, 4 kíp", gồm Trưởng ca chỉ đạo điều hành các bộ phận trực vận hành thực hiện theo đúng quy trình quản lý vận hành hầm đường bộ, đảm bảo an toàn và thông suốt, kịp thời xử lý các sự số xảy ra.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2005 đến ngày 29/2/2024, có 43,6 triệu lượt xe qua hầm (hầm Hải Vân 1 gần 34,2 triệu lượt xe, hầm Hải Vân 2 có hơn 9,4 triệu lượt xe), trung bình có 6.422 lượt xe qua hầm/ngày đêm. Từ ngày khai thác đến nay, trong hầm xảy ra 155 vụ TNGT, 218 vụ TNGT xảy ra trên đường dẫn, 63 vụ cháy trong hầm, 26 vụ cháy trên đường dẫn. Thông qua hệ thống giám sát đã phát hiện 68.119 trường hợp vi pháp quy định khi tham gia giao thông.
Khẳng định hiệu quả khi đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành 2 ống hầm, mỗi hầm 2 làn xe, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho hay, từ khi các phương tiện được lưu thông 2 làn trong mỗi ống hầm và trên tuyến đường dẫn giao thông thông thoáng, tình trạng ùn tắc giao thông do các phương tiện chạy chậm đã không còn.
Ngoài ra, tầm nhìn trong hầm thông thoáng trung bình tăng từ 80% lên khoảng 95%. Vận tốc trung bình qua mỗi hầm tăng lên từ 40 km/h lên 63 km/h, thời gian trung bình qua hầm giảm khoảng 40% so với trước đây, từ khoảng 10 phút xuống còn khoảng 6 phút. Điện năng tiêu thụ vận hành giảm còn khoảng 50% so với vận hành 1 ống hầm Hải Vân 1 trước đây.
Theo lãnh đạo Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, hiện nay đơn vị không chỉ quản lý, vận hành hầm đường bộ mà còn có thêm dịch vụ huấn luyện thực hành, liên kết với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực, quản trị dự án, quản trị tài chính...
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả trong công tác quản lý, vận hành hầm đường bộ Hải Vân, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng mong muốn Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả chủ động nghiên cứu, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ lắp đặt thêm hệ thống kiểm soát tải trọng xe, vừa tạo cơ sở dữ liệu cho lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, công trình hầm đường bộ.
"Trước sự phát triển bứt phá, không ngừng lớn mạnh, ngoài lĩnh vực đầu tư xây dựng giao thông đường bộ (hầm, cầu, đường bộ), Tập đoàn Đèo Cả cần mở rộng hoạt động trong lĩnh vực GTVT như: Đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao; hoạt động kinh doanh vận tải; đường thủy nội địa; đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho ngành GTVT... Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động mà ngành GTVT đang rất cần sự đóng góp từ những doanh nghiệp lớn mạnh, có thương hiệu, chuyên nghiệp, uy tín", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi mở.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, mặc dù ra đời chưa lâu nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, thương hiệu Tập đoàn Đèo Cả đã hiện diện ở cả 3 miền đất nước, có nhiều công trình, dự án lớn được Nhà nước, người dân, xã hội công nhận.
"Từ những kết quả đã đạt được, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, luôn luôn đi trước và có những sản phẩm khác biệt, mong rằng trong thời gian tới Tập đoàn Đèo Cả sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Bộ GTVT luôn ủng hộ và ủng hộ với tinh thần hết sức trong sáng đối với những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, lành mạnh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.