Deutsche Bank cảnh báo rủi ro khi Fed mất tính độc lập
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở vùng đỉnh lịch sử. Nhưng bên dưới sự lạc quan đó lại tiềm ẩn một rủi ro nghiêm trọng - sự kết thúc tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Deutsche Bank cảnh báo rủi ro khi Fed có thể mất tính độc lập
Không còn là bí mật, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần bất đồng quan điểm. Ông Trump liên tục gây sức ép đòi Fed cắt giảm lãi suất và thậm chí từng đe dọa sa thải ông Powell.
Tuần trước, căng thẳng leo thang khi Russell Vought, một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, chỉ trích ông Powell vì chi phí cải tạo trụ sở Fed vượt ngân sách và kêu gọi điều tra về khả năng quản lý yếu kém.
Theo cảnh báo từ Deutsche Bank, đây không đơn thuần là lời đe dọa chính trị.
George Saravelos, Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, cho rằng các nhà đầu tư đang xem nhẹ rủi ro nếu ông Trump thực sự loại bỏ Powell khỏi cương vị Chủ tịch Fed. Thị trường hiện chỉ định giá 20% khả năng ông Powell bị sa thải trong năm nay, trong khi chỉ số đô la Mỹ cũng không phản ánh nguy cơ mất tính độc lập của Fed.
Theo Saravelos, nếu điều đó xảy ra, tác động lên thị trường sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
“Trong kịch bản cực đoan, cả bạc xanh và thị trường trái phiếu đều có thể sụp đổ, khi kỳ vọng lạm phát tăng vọt, lợi suất thực giảm sâu và rủi ro hệ thống tăng do sự xói mòn của các thể chế độc lập”, ông viết.
Cuộc đối đầu giữa Trump - Powell đe dọa nghiêm trọng tới bạc xanh và thị trường trái phiếu. Nếu ông Powell bị sa thải, Saravelos dự báo USD sẽ lao dốc 3-4% ngay lập tức, tiếp theo là đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ khiến nó mất đi từ 30-40 điểm cơ bản, đặc biệt với trái phiếu dài hạn. Chi phí vay sẽ tăng mạnh và lạm phát sẽ leo thang - điều đi ngược hoàn toàn với mục tiêu ban đầu của ông Trump khi muốn sa thải Powell.
Thêm vào đó, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn cũng đang tạo áp lực lên lợi suất trái phiếu, nên việc "mất" Chủ tịch Fed càng khiến ảnh hưởng bị khuếch đại.
“Điều này làm gia tăng rủi ro về những cú sốc giá lớn và mang tính phá vỡ, vượt xa các kịch bản hiện tại”, Saravelos cảnh báo.
Trong khi các đợt áp thuế được trì hoãn và thị trường chứng khoán tiếp tục lập đỉnh, giới đầu tư có thể tin rằng chiến lược TACO (Trump Always Chickens Out, một thuật ngữ ám chỉ thói quen của Donald Trump trong việc đe dọa áp thuế hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia, nhưng sau đó lại rút lại hoặc trì hoãn vào phút chót) sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, Saravelos cho rằng việc xem nhẹ các đe dọa của ông Trump đối với Fed là sai lầm, vì lịch sử đã từng chứng kiến Fed bị thao túng chính trị.
Trong thập niên 1970, Tổng thống Richard Nixon từng gây áp lực lên Chủ tịch Fed Arthur Burns để giữ lãi suất thấp, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đình lạm (stagflation) tại Mỹ. Saravelos cho rằng nếu tình hình tương tự xảy ra một lần nữa, hậu quả ngày nay có thể còn nghiêm trọng hơn, vì mức nợ của Mỹ hiện cao hơn nhiều và thị trường vốn toàn cầu phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ.
Ngay cả khi ông Trump không thực sự phế truất Powell, mâu thuẫn công khai giữa hai bên cũng gieo rắc tính bất định kéo dài cho thị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất hiện một phần bù rủi ro kéo dài và rõ rệt trên cả đồng USD lẫn thị trường trái phiếu Mỹ, với mức độ nhạy cảm cao bất thường trước dữ liệu kinh tế và cách Fed điều hành chính sách trong các tháng tới”, Saravelos nhấn mạnh.
“Tóm lại, chúng tôi đánh giá khả năng ông Powell bị sa thải là một trong những rủi ro thị trường bị định giá thấp nhất trong vài tháng tới”, ông nói.