Di dời hàng trăm hộ dân đề phòng ngập lụt, trượt lở đất
Sáng 19/9, một số địa phương miền núi A Lưới, Nam Đông đã tiến hành di dời dân phòng ngập lụt, trượt lở đất. Trong khi đó, ở vùng ven biển đã xuất hiện xói lở, xâm thực biển.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (A Lưới) cho biết, từ đêm 18 đến sáng 19/9, trên địa bàn xã xuất hiện mưa xối xả, một số khu vực trọng điểm xuất hiện ngập lụt cục bộ và nguy cơ trượt lở đất đá. Xã đã tiến hành di dời khẩn cấp 11 hộ dân với 45 nhân khẩu tại thôn Pa Hy. Đây là điểm có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Những hộ dân đã được di dời đến nhà người thân kiên cố hơn, các khu vực cao ráo và được bố trí thức ăn, nước uống. Các hộ có người già, đau ốm được đưa đến trạm y tế của xã.
Trong sáng 19/9, các xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh… cũng đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại xã Quảng Nhâm có 4 điểm ngập úng cục bộ, có 6 điểm sạt lở đất đá gây thiệt hại.
Đến nay, xã đã tổ chức di dời 87 hộ dân tại thôn Âr Bả Nhâm và 4 hộ tại thôn A Hươr Pa E đến trú an toàn tại nhà sinh hoạt cộng đồng, Trường tiểu học Quảng Nhâm và nhà người thân. Chính quyền đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ dân di chuyển đồ đạc, cấm người, phương tiện qua các ngầm tràn nguy hiểm, chặt câgãy đổ trên đường để đảm bảo lưu thông.
A Lưới là huyện miền núi với địa hình nhiều khe suối, độ dốc lớn nên vào mùa mưa, dòng chảy các sông suối rất dữ dội, nhiều hộ gia đình chưa có nhà kiên cố và có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống trong mùa mưa bão. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn đã lên phương án di dời số hộ có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão, lũ lớn với tổng số hộ 2.981 hộ với 11.087 khẩu.
Để chủ động ứng phó bão số 4 gây mưa lớn, UBND huyện A Lưới chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Tổ chức điều tra, rà soát, nắm cụ thể hộ dân ở từng thôn có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để triển khai phương án kịp thời di dời dân đến nơi an toàn trong điều kiện cần thiết.
Tại huyện Nam Đông, ngay trong đêm 18/9, Cơ quan chức năng đã tiến hành sơ tán 34 hộ với 119 khẩu đến vị trí an toàn. Cụ thể, tại xã Thượng Long 16 hộ với 64 khẩu; xã Thượng Nhật 3 hộ với 12 khẩu và thị trấn Khe Tre 15 hộ với 43 khẩu. Đây là những hộ dân nằm ở các vị trí dễ ngập lụt, trượt lở đất đá trên đồi núi, sông suối.
Trong khi đó, hiện ở vùng ven biển xã Phú Diên tiếp tục xuất hiện các điểm xói lở tại một số vị trí (đã xói lở từ mùa mưa lũ năm 2023) như đường số 3 bãi tắm Phú Diên, khu vực thôn Mỹ Khánh. Ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên (Phú Vang) cho biết, các vị trí xói lở chính quyền đã kiểm tra và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, dự kiến sau bão sẽ thi công công trình chống xói lở hạ tầng đường số 3 bãi tắm với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện.
Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên đất liền tỉnh từ sáng 19/9 đến ngày 21/9 có mưa to, mưa rất to và rải rác có giông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-300mm, có nơi trên 500mm. Lượng mưa đo được tại các trạm đo Vrain từ 19 giờ ngày 17/9 đến 7 giờ ngày 19/9 phố biến từ 150-300mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 576mm, Xuân Lộc, Phú Lộc 441mm, Khe Tre (Nam Đông) 437mm, Lăng Cô (Phú Lộc) 407 mm.