Đi qua mùa lũ lụt...

Nghĩ cứ thương người xứ mình, lụt cứ nối lụt, chẳng tha năm nào, nên khổ cũng nối nhau giăng khắp nẻo đi đường về. Nhưng tuyệt nhiên người quê tôi không ai than vãn, dẫu dư âm còn lại của dòng nước bạc nặng giọt phù sa là đâu đó tang thương, mất mát.

Trời tháng mười quê tôi đón vào đất liền những trận mưa xối xả, dai dẳng trong nhiều ngày. Mưa tuôn trào chẳng để đất thở, bên tiếng mưa là tiếng thở dài thườn thượt của mạ nghe não lòng. Sau mưa dài ngày không ngớt là nước lại dâng lên. Nước từ các sông dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về, bãi bờ đồng bưng chìm trong biển nước mênh mông, trắng xóa. Với đám nhỏ chúng tôi ngày trước, thấy nước tràn đồng là vui mừng khôn xiết, bởi lụt sẽ được nghỉ học, được thỏa thích chơi lội trong con nước. Còn với ba mạ, lòng thắt thẻo theo từng dấu nước lên, lo lắng qua từng cơn mưa ào ạt như trút nước xuống đất nghèo.

Lụt về, những mái nhà chơi vơi giữa bềnh bồng sóng nước, những chiếc ghe cứu hộ bung biêng ngược xuôi ngày đêm trên mặt nước, vào từng ngóc ngách xóm làng. Ứa nước mắt khi vào những xóm nghèo hiu hắt, mở cánh cửa của ngôi nhà tình thương, khi thì ông già, khi thì mệ già ngồi co ro bó gối lẻ loi và sợ hãi trên giường... Những chiếc ghe cứu hộ cứ hối thúc nhau nhanh hơn, nhanh hơn nữa mà chẳng quản ngại khó khăn, mệt nhọc dẫu người ướt đầm vì mồ hôi và nước mưa lạnh.

Người miền Trung quê tôi không thạo sông nước, nên mùa lụt về đâu đây văng vẳng tiếng khóc nỉ non của sự ra đi lỡ làng đau lòng đứt ruột gan. Tôi sợ nhất khi phải nghe tin xóm nào đó có người nhà chèo ghe ra đường lộ không may bị lật ghe, anh nào đó không biết bơi bị nước cuốn, chú nào đó lên mái nhà gia cố bị trượt chân...

Tôi vẫn còn nhớ như in mùa lũ lụt lịch sử năm 2020, một mùa lụt đầy tang thương và mất mát. Nước bạc lẳng lặng đổ về trong đêm khuya, nước dâng nhanh đột ngột, những ánh đèn leo lắt chong thâu đêm. Ba mạ tôi luôn tay chuyền đồ đạc lên cao, nhưng sức người đâu chống chọi nổi với sức trời. Nước làm ướt hai bồ lúa, vậy là một năm trắng tay, thất bát của cải. Tôi thấy mạ cứ tần ngần đứng đó, bần thần chôn chân vào một góc nhà, nhìn trân trối vào bồ lúa mà lực bất tòng tâm. Đôi mắt mạ đỏ hoe, môi run run vì cái lạnh của nước hay cái lạnh trong lòng. Qua mùa lụt, nắng cuối đông bắt đầu vén mây, vén cả những đổ nát, hoang tàn để chiếu rọi, sưởi ấm cho đất trời, cho bao trái tim đang thổn thức. Tết năm đó nhà tôi thiếu thốn đủ bề, nhưng tình thương vẫn trọn vẹn và đong đầy, nụ cười vẫn khẽ nở trên môi mềm dẫu vừa đi qua bao chát mặn thê lương.

Giấc mơ chữ nghĩa công danh cùng với nỗi áo cơm và đường đời ẩn chìm bất trắc, sẽ xô dạt đám nhỏ ngày một xa làng hơn. Lớp lớp rời cố xứ, lên thành phố mưu sinh lập nghiệp. Giữa phố thị phồn hoa và náo nhiệt, sẽ đôi lúc bất giác nhớ về quê hương, thương thắt thẻo những dãi dầu trần ai của người xứ mình. Bỗng muốn ôm vào lòng tất thảy những đắng cay ngọt bùi, dẫu vui dẫu buồn đó cũng là quê hương, nơi có mạ, có ba thao thức qua bao mùa lũ lụt đổ về đất nghèo cố hương.

Nguyễn Văn Đức Anh (Đà Nẵng Online)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/di-qua-mua-lu-lut/202684.htm