Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ghi danh phở Nam Định
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 'Phở Nam Định'.
Theo đó, “Phở Nam Định” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Đây được xem là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh “Phở Nam Định” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Phở Nam Định”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa ẩm thực “Phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.
Theo số liệu kiểm kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định, có khoảng gần 300 cửa hàng bán phở phân bố khắp 10 huyện, thành phố; trong đó Thành phố Nam Định và huyện Nam Trực là những địa phương có số lượng nhiều nhất. Tại những địa phương trên, có nhiều cửa hàng đã qua 2-3 thế hệ, có tuổi đời từ 30 - 50 năm. Bên cạnh đó, còn còn rất nhiều cửa hàng có tuổi đời từ 10 năm đến 20 năm, và nhiều cửa hàng được mở trong những năm gần đây. Những quán phở không chỉ được mở tại trung tâm thành phố, mà còn được mở tại các vùng lân cận, các địa phương trên toàn tỉnh Nam Định.
Trên cơ sở hình thành và phát triển của nghề nấu phở, tại Nam Định đã hình thành nhiều làng, nhiều dòng họ bán phở ở khắp các địa phương. Tiêu biểu như: làng Vân Cù, làng Giao Cù, làng Tây Lạc (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực), làng Thạch Bi, làng Phúc Thọ (xã Nam Thái, huyện Nam Trực).
Thông tin từ Bảo tàng Nam Định, nghề nấu phở, bán phở đã phát triển và lan tỏa ra khắp các địa phương trên toàn quốc, trong đó có nhiều người gốc Nam Định và ở các làng nghề có truyền thống nấu phở như: Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc, Thạch Bi, Phúc Thọ…có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... để đưa phở Nam Định lan tỏa và phát triển.
Làm phở, chế biến phở là một quy trình cầu kỳ với những kỹ năng, bí quyết gia truyền, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để làm ra một bát phở ngon, cần kết hợp nhiều yếu tố: nước trong, bánh dẻo, thịt mềm. Nước dùng được ninh từ xương bò, hòa quyện cùng các gia vị nước mắm, muối, gừng, thảo quả, quế, hồi và một số loại rau gia vị.